Các doanh nghiệp da giầy đón cơ hội xuất khẩu năm 2016
VOV.VN - Năm 2016, ngành da giày đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 15% và tận dụng các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong đó có TPP.
Các Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) vừa thành lập… sẽ mang đến nhiều cơ hội mở rộng thị trường, tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để đón bắt cơ hội, nâng cao sức cạnh tranh.
Phóng viên VOV phỏng vấn bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) về vấn đề này.
PV: Thưa bà, với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2016 khoảng 15%, hiện các doanh nghiệp tiến hành đàm phán ký kết các đơn hàng như thế nào?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Năm 2016, dự kiến các sản phẩm giày dép tăng trưởng 15%. Đối với sản phẩm túi xách tăng trưởng 13% so với năm 2015. Toàn ngành đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 17 tỷ USD. Hiện nay, các doanh nghiệp đã bắt đầu đàm phán ký kết các đơn hàng năm 2016.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày - Túi xách Việt Nam |
Trước mắt, doanh nghiệp đang tập trung các đơn hàng cho quý 1. Hiện nay các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Ví dụ liên quan điều chỉnh tỷ giá. Đồng EU đang mất giá nên các doanh nghiệp đang có sự điều chỉnh, thỏa thuận cho ký kết hợp đồng 2016.
PV: Việc kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như các hiệp định khác sẽ mang lại những cơ hội như thế nào cho các doanh nghiệp da giày về thị trường và tăng trưởng xuất khẩu, thưa bà?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Khi các hiệp định đi vào thực thi thì tăng trưởng xuất khẩu của ngành rất tốt. Ví dụ như thị trường Mỹ, hiện nay mới chiếm 8,2% thị phần. Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, các mức thuế giảm về 0% thì cơ hội mở cửa thị trường rất lớn. Khả năng các doanh nghiệp sẽ mở rộng trong việc thúc đẩy xuất khẩu.
Năm 2015, thị trường Mỹ tăng trưởng tới 50%, chiếm thị phần lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Mọi năm thị trường EU đứng đầu, nhưng năm nay Mỹ đứng đầu. Có thể thấy mức độ quan tâm và cơ hội vào thị trường Mỹ rất lớn. Khi hiệp định có hiệu lực thì khả năng tăng trưởng càng nhiều.
Ngành dệt may được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh nhờ các hiệp định thương mại tự do |
Còn với thị trường EU, hiện Việt Nam mới chỉ chiếm 11% thị phần giày dép tại thị trường này, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU có hiệu lực, thuế còn 0%, khả năng thúc đẩy xuất khẩu, mở thị trường rất nhiều. Đây là những cơ hội mà các doanh nghiệp cần tận dụng.
PV: Bên cạnh các cơ hội thì các hiệp định này cũng đặt ra sức ép không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu da giầy. Xin bà cho biết các doanh nghiệp chuẩn bị ra sao để đón bắt cơ hội?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Khi vào các thị trường xuất khẩu lớn thì từ trước đến nay vẫn phải đáp ứng các tiểu chuẩn. Khi thị trường mở rộng hơn nữa thì cơ hội đến với tất cả các doanh nghiệp. Nhưng để tận dụng cơ hội đó thì các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực của mình để đáp ứng yêu cầu của thị trường chứ không phải chỉ sản xuất đơn thuần như đáp ứng những thị trường nội địa một số thị trường yêu cầu thấp.
Trong chiến lược dài hạn, để tồn tại và phát triển, ngay cả thị trường nội địa cũng phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu. Lúc đó là sân chơi chung rồi, không còn phân biệt thị trường nội địa hay xuất khẩu nữa. Các doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình.
Hiện, các doanh nghiệp cũng đã cập nhật và nắm bắt thông tin. Đồng thời có sự chuẩn bị về sản xuất, tìm kiếm nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức, ngân hàng. Để mở rộng sản xuất, cần đầu tư về nhân lực, mở rộng tìm kiếm thị trường để đón bắt được cơ hội trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn bà./.