Các hãng taxi “cháy” xe trong ngày cuối cùng nghỉ Tết
VOV.VN -Do nhu cầu đi lại tăng cao vào ngày nghỉ Tết cuối cùng khiến các hãng taxi thường xuyên trong tình trạng hết xe.
Tại Hà Nội, dịch vụ vận tải nội đô ngày mùng 6 Tết do nhu cầu đi lại tăng cao vào ngày nghỉ Tết cuối cùng khiến các hãng taxi thường xuyên trong tình trạng hết xe.
Chị Nguyễn Hoài Thanh, ở Thanh Xuân, Hà Nội, muốn gọi taxi về Đông Anh thăm cha mẹ để mai bắt đầu đi làm, thế nhưng gọi từ sáng đến 10 giờ trưa vẫn không có xe. Tất cả các hãng taxi chị gọi đến đều cáo lỗi hết xe. Gia đình chị đành “chơi” bài ra đường bắt được xe nào thì đi, nhưng cũng đành phải quay về nhà đi xe máy về Đông Anh.
Nhiều người cho biết, để có xe taxi đi về quê hay đi xa hơn trong những ngày này, họ đã phải đặt xe từ trước Tết rất lâu. Nhiều người còn phải trả thêm phần trăm cho tài xế nếu chỉ thuê 1 chiều. “Trong 3 ngày Tết còn khó gọi xe đi các tỉnh hơn, vì nhiều lái xe taxi từ chối chở khách để ở nhà ăn Tết cùng gia đình” – chị Phạm Thu Huyền ở Văn Miếu, Hà Nội cho biết khi chia sẻ câu chuyện khó gọi được xe taxi những ngày Tết.
Còn tại Đà Nẵng, hoạt động vận chuyển hành khách tiếp tục hoạt động để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, giá vé vẫn tăng phụ thu do lệch chiều từ 20%-60% đối với tất cả các chuyến.
Hôm nay (5/2), Bộ Tài chính vừa có báo cáo tổng hợp về tình hình giá cả 5 ngày Tết gửi Văn phòng Chính phủ.
Về giá cả các loại thực phẩm dịp Tết, Bộ Tài chính cho biết, trên thị trường nguồn cung về hàng hoá dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại với giá cả các nhóm hàng cơ bản ổn định. Trên địa bàn cả nước, không xảy hiện tượng thiếu hàng gây sốt giá.
Theo nhận định của Bộ Tài chính, sức mua trên thị trường tết Giáp Ngọ 2014 thấp hơn so với tết Quý Tỵ 2013, tăng 15-20% so ngày thường tại các đô thị lớn, 10-15% tại nông thôn.
Cụ thể, trong ngày 5/2, tại các chợ của Hà Nội, giá các loại rau củ quả tiếp tục ổn định ở mức thấp: su hào: 1.500/củ, cà chua: 8000đ/kg, súp lơ xanh: 5000 đ/cái, cà rốt: 8000/kg; Các loại thực phẩm tươi sống nhìn chung giá ổn định so với ngày mùng 5 Tết: cá trắm 85.000 đ.kg, cá chép 70.000-75.000 đ.kg; thịt lợn mông sấn: 90.000đ/kg, thịt chân giò 90000 đ/kg, thịt bò thăn 260.000 đ/kg, giảm 10.000 đ/kg; thịt ba chỉ 90.000 đ/kg, gà ta còn sống 120.000 đ/kg.
Trước đó, chuẩn bị cho Tết nguyên đán, Năm nay, người dân chủ yếu tập trung vào các nhu cầu thiết yếu, sức mua tăng tập trung vào các ngày 23 tháng Chạp, 28, 29, 30 Âm lịch.
“Những mặt hàng thiết yếu tiêu thụ trong dịp tết Nguyên đán được các DN chuẩn bị khá đầy đủ để phục vụ cho nhân dân mua sắm. Hàng hóa bán trên thị trường cơ bản được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Hàng sản xuất trong nước tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường. Giá cả hàng hóa trong siêu thị ổn định”, Bộ Tài chính khẳng định.
Sau khi nghỉ Tết, ngày mùng 1, 2 và 3, ngày mùng 4 Tết, một số siêu thị lớn có hệ thống trong cả nước đã mở cửa khai trương bán hàng; hệ thống chợ dân sinh ở nhiều nơi cũng đã bắt đầu bán hàng. Thị trường những ngày sau Tết, lượng hàng hóa vẫn nhiều, nhưng số lượng người mua chưa đông, sức mua vẫn thấp. Hàng hóa được mua, bán chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như: thủy sản, thịt gia súc, thịt gia cầm, rau củ quả.
Về giá cả cơ bản vẫn giữ bình ổn giá như những ngày trước Tết. Chỉ một số hàng hóa, dịch vụ giá tăng cao như: trông giữ ô tô xe máy (tại các đền, chùa) tăng từ 40-100%, dịch vụ bún phở tăng 40% so ngày thường.
Theo dự báo của Bộ Tài chính, trong những ngày tiếp theo, thị trường cả nước trở lại bình thường, các nhóm hàng thực phẩm giảm nhẹ, các mặt hàng khác không có đột biến lớn về giá./.