Thị trường giá cả ổn định trong dịp Tết
Sức mua giảm hơn so với mọi năm cùng với nguồn cung hàng hóa dồi dào làm giảm áp lực tăng giá.
Theo Bộ Tài chính, ngày 4/2 (tức mùng 5 Tết Giáp Ngọ) tại hầu hết các tỉnh thành phố, các chợ lẻ, các gian hàng, các siêu thị lớn đã kinh doanh buôn bán trở lại và sức mua đã tăng nhẹ so ngày mùng 3-4 Tết. Nhìn chung, giá các mặt hàng thịt gia súc, thịt gia cầm ổn định; giá rau củ quả giảm, giá hàng công nghệ phẩm giảm nhẹ so với trước.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, trước, trong và sau Tết, thị trường có nguồn cung dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại, phong phú về bao bì đóng gói, đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân.
Tất cả các nhóm hàng cơ bản giá ổn định, riêng nhóm thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy hải sản) tăng nhẹ vào những ngày 29, 30 và mùng 3,4 Tết theo quy luật Tết hàng năm. Trên địa bàn cả nước, không địa phương nào xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây sốt giá.
Ngay từ giữa tháng 1 vừa qua, thị trường hàng hóa dịch vụ phục vụ Tết đã bắt đầu hoạt động sôi động, tuy nhiên, sức mua Tết Giáp Ngọ 2014 thấp hơn so với cùng kỳ Tết Quý Tỵ 2013, tăng từ 15%-20% so ngày thường tại các đô thị lớn và từ 10%-15% tại nông thôn.
Do ảnh hưởng tình hình kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng cân nhắc trong chi tiêu, tập trung vào các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống; sức mua tăng tập trung vào các ngày 23 tháng chạp, 28, 29, 30 Âm lịch. Các siêu thị, trung tâm thương mại thu hút khách đông khách hàng do phát huy lợi thế về vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa rõ ràng, giá cả bình ổn.
Những mặt hàng thiết yếu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán được các doanh nghiệp và nhà sản xuất, kinh doanh chuẩn bị khá đầy đủ để phục vụ cho nhân dân mua sắm. Hàng hóa bán trên thị trường cơ bản được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Hàng sản xuất trong nước tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng với giá cả hợp lý chất lượng và mẫu mã, kiểu dáng bao bì không thua kém nhiều so với hàng nhập khẩu.
Tại nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã có kế hoạch mở cửa bán hàng phục vụ người dân đến ngày cận Tết, kéo dài thời gian mở cửa bán hàng trong ngày và mở cửa lại sớm nên góp phần hạn chế việc phải mua dự trữ, giảm áp lực tăng giá.
Trong khi đó, giá thực phẩm rau, củ, quả tương đối ổn định hoặc tăng nhẹ. Giá một số loại trái cây bày mâm ngũ quả như chuối xanh, thanh long… tăng cao trong những ngày cận Tết do sức mua tăng cao.
Giá hoa tươi cũng có xu hướng tăng vào những ngày cận Tết nhưng mức tăng không có quá cao; đồng thời nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc chương trình bình ổn giá bình ổn và thấp hơn giá thị trường khoảng 5-10%. Thậm chí, nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, TP HCM còn thực hiện các chương trình giảm giá cho nhiều loại hàng hóa như: gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, đồ dùng gia đình… Tuy nhiên, ở các chợ dân sinh trong phạm vi cả nước, lượng hàng hóa dồi dào nhưng giá vẫn tăng.
Bộ Tài chính nhận định giá cước vận tải bằng đường bộ về cơ bản ổn định, tuy nhiên một số đơn vị kê khai tăng giá chiều đông khách từ 15-60% so với giá vé bán ngày thường nhằm bù đắp phần chi phí cho phương tiện chạy chiều rỗng. Đối với chiều vắng khách, các doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh giảm giá vé tàu hỏa, vé máy bay để cạnh tranh thu hút khách, tăng thu. Mức giảm cao nhất lên tới 40%.
Theo Bộ Tài chính, một số yếu tố gây sức ép tăng giá các mặt hàng là do nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường trong năm nhưng chỉ bằng 80-90% so với Tết Quý Tỵ.
Đồng thời, do ảnh hưởng tình hình kinh tế khó khăn nên người mua cân nhắc trong chi tiêu, tập trung vào các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, ảnh hưởng tới sức mua trong khi nguồn cung hàng hóa dồi dào. Mặt khác, tình hình thời tiết khá thuận lợi cho sự phát triển của các loại hoa, cây cảnh Tết, rau xanh.... Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi cây trồng vẫn đang được kiểm soát đã hạn chế việc tăng giá các mặt hàng này như những năm trước.
Thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường giá cả, chủ động không để xảy ra tình trạng tăng đột biến về giá hàng hóa, dịch vụ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Bộ Tài chính yêu cầu các Sở Tài chính thực hiện các chính sách hỗ trợ, kết hợp với tổ chức các hình thức bán hàng lưu động đưa hàng hóa về khu vực ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu đông dân cư; tích cực và chủ động đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”
Trong Chương trình bình ổn thị trường Tết Giáp Ngọ 2014, Bộ Tài chính cho biết có nhiều điểm mới như đẩy mạnh xã hội hóa chương trình, nhiều địa phương vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp Tết với nguồn vốn và hàng hóa tự có của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, TP HCM không dùng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mà tổ chức kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn với các tổ chức tín dụng để vay với lãi suất ưu đãi; tập trung bình ổn giá từ gốc của sản xuất, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất, cho vận chuyển.
Mặt khác, đẩy mạnh kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp, địa phương; tập trung phát triển hệ thống phân phối đưa hàng bình ổn tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng bão lũ... với mạng lưới bán hàng bình ổn Tết năm nay khoảng 10.000 điểm, tăng 2.000 điểm so với Tết Quý Tỵ…/.