Các nhà tài trợ đã thay đổi cách nhìn về Việt Nam
(VOV) - Theo đó, cách thức tổ chức CG đã thay đổi và đây không còn là nơi để huy động ODA.
Đây là một bước thay đổi về chất sau 20 năm tiến trình CG phát triển. Sự thay đổi này cũng là bước ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo… mà Việt Nam đã đạt được. Việc Việt Nam không còn hưởng các nguồn vốn ưu đãi và tăng các nguồn vốn thương mại cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải tự đứng trên đôi chân của mình nhiều hơn trước.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh thì các nguồn vốn cam kết hỗ trợ hôm nay là chủ yếu phục vụ cho giai đoạn chuyển tiếp từ thời kỳ nhận vốn ưu đãi chuyển sang vốn thương mại.
Đại diện cho các nhà tài trợ, bà Victoria Kwawa – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, các kỳ CG trước đây, con số cam kết tài trợ luôn là mối quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, tổng kết lại tiến trình 20 năm của CG cho thấy đã đến lúc phải thay đổi phương thức tổ chức CG. Đây không còn là nơi để huy động vốn tài trợ và công bố các con số tài trợ nữa. Điều quan trọng của CG trong những năm tiếp theo là việc đối thoại về chính sách, về những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải để tìm phương thức vượt qua.
Ngay sau khi kỳ CG cuối cùng kết thúc, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, việc thay đổi nội dung, hình thức CG không hẳn chỉ vì Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Điều này chỉ liên quan đến các khoản vay ưu đãi giảm đi, tỷ trọng vốn thương mại cao lên. Các nước tài trợ có nguyên tắc rõ ràng, các nước nhận tài trợ đã vượt qua khó khăn thì phải dành phần vốn ưu đãi đó cho nước khác. Việc chúng ta đàm phán tăng ODA là để cho giai đoạn chuyển tiếp này.
“Có thời gian dài, chúng ta coi CG là nơi công bố nhiều tiền viện trợ. Công bố này rất quan trọng nhưng các nhà tài trợ cho rằng chuyện này là không cần thiết. Vì việc thảo luận các dự án, vốn tài trợ phải kéo dài cả năm. CG sẽ dành thời gian nhiều hơn cho đối thoại vấn đề quan trọng, vấn đề lớn như chính sách tiền tệ, vì thế cần tập trung trí tuệ theo chuyên đề… Nói chuyển đổi nhưng chỉ là không quá nhấn mạnh ODA nữa” – ông Vinh nhắc lại.
Tại phiên đổi mới phương thức tổ chức CG, ông Hoàng Viết Khang – Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KH-ĐT) cho biết, VDPF sẽ là một cơ chế cấp cao đóng vai trò là một nền tảng chủ yếu cho đối thoại chính sách phát triển giữa Chính phủ tất cả các đối tác phát triển. Mỗi năm một lần, Chính phủ và các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các viện nghiên cứu trong nước các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nước, khu vực tư nhân (trong trường hợp cần thiết) và các chủ thể phát triển khác sẽ gặp nhau, cùng nhau đối thoại một cách cởi mở, trên tinh thần xây dựng vì sự phát triển và cải thiện đời sống người dân Việt Nam. Dự kiến tổ chức vào cuối năm như các Hội nghị CG cuối kỳ nhưng VDPF sẽ được tổ chức ở Hà Nội và các địa phương khác.
VDPF sẽ tập trung thảo luận, đối thoại về từng vấn đề theo chủ điểm và theo ngành, những lựa chọn chính sách cho Việt Nam hay những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Thực ra, ngay tại kỳ họp này CG đã có những bước đổi mới. Đó là việc lần đầu tiên có các tổ chức dân sự xã hội cùng tham gia hội nghị.
Trở lại với kinh tế Việt Nam, bước sang năm 2013, năm thứ 3 và cũng là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015, Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vào tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát, tăng trưởng cao hơn năm 2012, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.
Để đạt được mục tiêu trên, theo Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh, Chính phủ sẽ kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững trong dài hạn.
Tập trung điều hành tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm tồn kho, thúc đẩy tiêu dùng nhằm tăng nhanh tổng cầu cho nền kinh tế; có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Khẩn trương giải quyết nợ xấu để khai thông tín dụng đến với doanh nghiệp, giảm thiểu các rủi ro gây mất ổn định hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính. Tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách nhà nước. Phấn đấu tới cuối năm 2015 đưa nợ xấu về mức 3-4%.
Về việc thu hút vốn đầu tư, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thu hút, giải ngân nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vốn ODA, hoàn thiện các cơ chế thu hút đầu tư tư nhân như PPP, BOT, BT…
Đối với quan hệ hợp tác phát triển, Chính phủ phấn đấu đẩy mạnh hiệu quả và giải ngân nguồn vốn ODA tương xứng với tầm quan trọng của nguồn vốn này đối với sự phát triển của đất nước. Kết quả giải ngân năm 2012 chính là những thành quả bước đầu của những nỗ lực này.
Năm 2013 dự báo vẫn là 1 năm khó khăn không chỉ đối với Việt Nam mà với cả các quốc gia viện trợ, Chính phủ Việt Nam hiểu rằng các Nhà tài trợ cũng phải rất khó khăn trong việc cân nhắc phân bổ nguồn tài trợ của mình trong khuôn khổ ngân sách ngày càng chặt chẽ.
Tuy nhiên, “Việt Nam mong muốn cộng đồng tài trợ quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho Việt Nam vì đây vẫn sẽ một nguồn vốn quan trọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và đầu tư phát triển. Chúng tôi cam kết tiếp tục phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ để cải thiện tình hình thực hiện dự án và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, cải tiến phương thức đối thoại sao cho hiệu quả hơn” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu trước các nhà tài trợ./.