Các tiệm bánh Trung thu vắng khách dù đại hạ giá
VOV.VN - Nhiều đại lý, cửa hàng thu hút khách bằng cách tăng chiết khấu, siêu giảm giá, thậm chí mua 1 tặng 3, nhưng vẫn "vắng như chùa Bà Đanh".
Những ngày qua các gian hàng bánh trung thu ở khắp nơi trong TP HCM đồng loạt treo bảng đại hạ giá nhưng vẫn vắng khách tới mua.
Một dãy của hàng bán bánh Trung thu ế ẩm (Ảnh: Thanh Niên) |
Đủ chiêu giảm giá để "câu khách"
Theo ghi nhận trên báo Lao động, các gian hàng bánh trung thu phần lớn có treo băng rôn của các thương hiệu nổi tiếng như Kinh đô, Bibica, Như Lan… đều trương bảng đại hạ giá. Tuy nhiên, khách đến mua bánh hạ giá thì người bán không hề giảm giá của các thương hiệu Kinh Đô, Bibica hay Như Lan (các hãng này không có chủ trương giảm giá bán) mà chỉ giảm giá hoặc tặng kèm bánh mang thương hiệu ăn theo chữ Đồng Khánh hoặc các nhãn hiệu "không quen biết".
Khi khách chấp nhận mua bánh theo kiểu tặng 1, tặng 2 thì phần tặng thêm là loại có chất lượng thấp hơn so với bánh mà khách đã chọn, thậm chí có gian hàng còn đưa cho khách cả loại bánh có thương hiệu lạ hoắc không phải nhãn hiệu đã được thỏa thuận trước đó.
Một chiêu trò khác là người bán đẩy giá bánh trung thu của những nhãn hiệu ít người biết này lên khá cao, thậm chí có mức giá không thua kém so với bánh cùng loại của các hãng nổi tiếng để làm chương trình khuyến mãi tặng 1, tặng 2 cho người mua.
Ông Nguyễn Văn Minh, chủ một tiệm bánh tại quận 10, TP HCM, cho biết người mua lầm chứ người bán không bao giờ lầm vì họ biết rất rõ nguồn gốc, giá cả từng loại và tính toán chi li sao cho bán được hàng mà vẫn có lời.
Theo phản ánh trên báo Thanh Niên, những mùa Trung thu trước, trung bình mỗi ngày cửa hàng tạp hóa của chị Trần Thị Hương trên phố Nguyễn Quý Đức (quận Thanh Xuân) bán từ 10 -15 hộp bánh. Năm nay, dù đã hết tháng "cô hồn", qua mùng 1 tháng 8, thỉ thoảng mới có khách hỏi mua. Chị Hương cho hay: “Cửa hàng của chúng tôi chỉ lấy bánh “công nghiệp” của các hãng tên tuổi như: Kinh Đô, bánh kẹo Hà Nội, Hải Hà, Bibica, Yến sào Khánh Hòa…
Năm nay, các hãng đều có chiết khấu cao cho các đại lý, nhưng tình hình chung đều bán chậm. Chúng tôi phải cắt giảm chi phí, không thuê nhân viên bán hàng. Với khách mua lẻ, mỗi chiếc bánh cửa hàng giảm cho khách từ 3.000 - 4.000 đồng. Nếu khách mua từ 10 hộp trở lên được chiết khấu 10%”.
Dù giá giảm mạnh song bánh trung thu vẫn ế (Ảnh: Lao động) |
Tại phố chuyên bán bánh trung thu như: Phạm Ngọc Thạch, Võ Thị Sáu, Phố Huế…so với những năm trước, số lượng các quầy bánh đã giảm rất nhiều. Những cửa hàng còn trụ lại, cũng trong tình hình ảm đạm.
Anh Đức Anh, chủ ki-ôt bánh trung thu trên phố Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) than thở: “Mở quầy từ sau rằm tháng 7 đến nay, ngày bán nhiều lắm cũng chỉ được 20 chiếc. Khách đa phần là mua lẻ, còn những hộp cao cấp trên 1 triệu đồng/hộp ít người mua. 3 năm nay, thị trường bánh trung thu rơi vào điểm trũng, cứ tình hình này, đại lý thuê cửa hàng 2 tháng, chắc chỉ bán được 4 ngày cận rằm tháng 8”.
Trong khi sức mua của người tiêu dùng ngày một giảm, năm nay các hãng bánh tăng giá từ 5.000 - 10.000 đồng/ chiếc loại thường và vài chục nghìn/chiếc loại cao cấp càng khiến cho thị trường khó khăn. Trần Thị Lanh, nhân viên cửa hàng bánh Hữu Nghị cho biết: “Bánh Hữu Nghị bán giá trung bình từ 42.000 - 50.000 đồng/chiếc, hộp đắt nhất là 450.000 đồng, rẻ hơn so với các hãng khác, thế mà khách vẫn chê đắt”.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, chủ đại lý bánh trung có 10 năm kinh nghiệm tại Hà Nội chia sẻ: “Đúng là thị trường năm nay có giảm, thuê quầy, thuê nhân viên bán hàng không còn hiệu quả, mà lại phải chi phí thêm đến vài chục triệu. Chúng tôi tăng cường bán hàng online, giữ các mối hợp đồng cũ nên mức giá bánh sau khi chiết khấu 140.000 - 160.000 đồng/hộp được xem là phù hợp để nhiều các cơ quan, doanh nghiệp mua làm quà tặng cho cán bộ, nhân viên”.
Khách thích "của ngon vật lạ"
BNews cho hay, nhiều điểm kinh doanh mặt hàng bánh Trung thu đã thực hiện giảm giá 50% hoặc treo biển "mua 1, tặng 1". Không ít đơn vị kinh doanh đang nỗ lực tăng sức mua và kích cầu tiêu dùng trước tình trạng một số chủng loại bánh Trung thu truyền thống không còn hấp dẫn người tiêu dùng cũng như khả năng cạnh tranh với những dòng sản phẩm cao cấp.
Khách hàng ngày càng khó tính khi chọn mua bánh trung thu. Giá thành chỉ là một trong số nhiều yếu tố để người tiêu dùng lựa chọn (Ảnh: Lao động) |
Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh của mùa bánh Trung thu năm 2017, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu làm cho các điểm bán bánh Trung thu truyền thống ngày càng giảm sức cạnh tranh trên thị trường là do hương vị các dòng bánh Trung thu truyền thống không còn phù hợp với xu hướng tiêu dùng ngày nay.
Trong bối cảnh hàng hóa trong và ngoài nước đều phải cải tiến để cạnh tranh, người tiêu dùng cũng có nhiều cơ hội chọn lựa hơn trong mua sắm, tiêu dùng. Đặc biệt, khi thu nhập người dân ngày càng tăng, nhất là ở các thành phố lớn thì họ có nhu cầu thưởng thức "của ngon vật lạ" và tìm đến những hàng hóa cao cấp.
Ngoài ra, các đơn vị bán hàng online cũng như nhà sản xuất đều giới thiệu, quảng bá chi tiết các dòng sản phẩm với giá cả cụ thể. Vì vậy, người tiêu dùng chỉ cần tham khảo và với một cái "nhấp chuột" là có thể chờ bánh giao tới tận nơi và thanh toán tiền, không cần phải ra tận điểm bán để lựa chọn như trước đây.
Vài năm trở lại đây, mặt hàng bánh Trung thu thường được tung ra thị trường rất sớm vào thời điểm khoảng đầu tháng 7 Âm lịch, nhưng thời gian bảo quản và sử dụng bánh tốt nhất chỉ phổ biến trong vòng một tháng tính từ ngày sản xuất đến ngày hết hạn. Do đó, trên thị trường không ít đơn vị bán buôn vì yếu tố lợi nhuận mà giảm giá bánh Trung thu sắp hết hạn sử dụng, bánh kém chất lượng và không được bảo quản đảm bảo đạt tiêu chuẩn như ban đầu./.