Cải cách và hội nhập kinh tế Việt Nam: Còn nhiều thách thức
VOV.VN -Thông điệp này được nêu tại Hội thảo vừa diễn ra tại Pháp, thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu kinh tế và các doanh nhân Pháp.
Hôm qua (10/2), cuộc hội thảo với chủ đề “Cải cách kinh tế Việt Nam: Vai trò của các đối tác chiến lược mới” đã được Cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế của Pháp (IFRI) phối hợp tổ chức. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu kinh tế và các doanh nhân Pháp.
Hội thảo đã nêu bật các thành tựu trên nhiều lĩnh vực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong những năm qua, giới thiệu những chương trình cải cách đang được Chính phủ Việt Nam tiến hành nhằm giúp kinh tế đất nước phát huy các lợi thế, tận dụng các cơ hội để vượt qua các thách thức trong liên kết khu vực và thế giới.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cho biết, hội thảo nhằm cập nhật thông tin giúp giới học giả, quan chức và giới doanh nhân Pháp tăng cường nhận thức về những cải cách kinh tế gần đây ở Việt Nam, nhất là hai hiệp định thương mại quan trọng mà Việt Nam đang tích cực tham gia đàm phán để tiến tới ký kết là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, “nhiều bạn Pháp thiếu thông tin về sự đổi mới và quyết tâm cải cách của Việt Nam, thậm chí một số có cái nhìn bi quan, không chính xác, đầy đủ về tình hình Việt Nam. Hội thảo này với 2 khách mời đặc biệt một là Giáo sư Nguyễn Đức Khương và hai là Luật sư Oliver Massmann mang tới cho cử tọa một cái nhìn chính xác và khách quan hơn về Việt Nam và những cơ hội mà các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Pháp, có thể tận dụng để thành công ở Việt Nam”.
Tham gia thuyết trình tại hội thảo, Giáo sư Nguyễn Đức Khương thuộc Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School), đã điểm lại quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, giới thiệu những chính sách mới đang được chính phủ Việt Nam triển khai nhằm đối phó với các thách thức và đảm bảo tăng trưởng bền vững. Giáo sư Khương khẳng định, trong bối cảnh hiện nay khi mọi quyết định về hợp tác kinh tế không còn đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà còn có vấn đề địa chính trị hay sự cân bằng hợp tác giữa các nước khác nhau.
Trong trường hợp của Việt Nam, nước ta đã ký Hiệp định đối tác chiến lược với 13 nước; do đó, thách thức đặt ra đối với chúng ta là làm thế nào để các hiệp định này phát huy hiệu quả và làm thế nào để cân bằng lợi ích của Việt Nam với các đối tác này. Ngoài ra, việc kiểm soát được độ mở cửa về kinh tế cũng như tài chính của Việt Nam với quốc tế, hạn chế những rủi ro và tác động xấu của quá trình mở cửa cũng đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là khi Việt Nam đang tiến tới giai đoạn nước rút ký kết các hiệp định quan trọng với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Giáo sư Khương nói: “Việc chúng ta tìm ra được những lĩnh vực, khu vực kinh tế mà chúng ta cần ưu tiên để phát triển là một trong những thách thức rất lớn mà đây là một trong những điều quan trọng nhất chúng ta cần làm. Điều đó giúp cho chúng ta có một nền kinh tế được đa dạng hóa, tránh được những phụ thuộc lớn vào những đối tác thương mại chính và từ đó, giúp chúng ta có được tính linh hoạt hơn trong việc điều phối về mặt chính sách”.
Qua tham luận với tiêu đề “Các nỗ lực tiến hành cải cách của Việt Nam nhằm đạt được sự phát triển mạnh mẽ”, Luật sư người Đức Oliver Massmann, Tổng Giám đốc Công ty luật Duane Morris Vietnam LLC, người đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam trong hơn 25 năm qua đã đưa ra nhiều đánh giá lạc quan về tình hình kinh tế của Việt Nam trong năm 2014.
Về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, ông Oliver Massmann cho biết, có thể trong năm 2015, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 10% do tác động thuận lợi của việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, ông Oliver Massmann cũng nhấn mạnh: “Điểm quan trọng không phải ở việc Việt Nam ký cả 2 hiệp định thương mại mà Việt Nam phải tiến hành hiệp định thương mại càng sớm càng tốt, để phát triển mạnh được và sử dụng được cơ hội của nền kinh tế. Cho nên muốn phát triển kinh tế mạnh và nhanh, Việt Nam phải tiến hành cả 2 hiệp định ngay lập tức sau khi ký”.
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã đặt câu hỏi và trao đổi một số vấn đề liên quan đến những cải cách kinh tế đang được thực hiện ở Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, ngân hàng… Những câu hỏi và trả lời thẳng thắn, đi trực diện vào các vấn đề giữa các diễn giả và khách tham dự đã tiếp tục phác họa một bức tranh tổng thể khái quát về tình hình và triển vọng kinh tế của Việt Nam. Hội thảo cho thấy tình hình kinh tế của Việt Nam đã và đang được dư luận Pháp và quốc tế quan tâm theo dõi./.