Cấm cho, tặng ngoại tệ: Nên hay đừng?
VOV.VN -Mong muốn của NHNN là chính đáng nhưng các qui định lại không khả thi khi cấm người dân cho tặng tài sản hợp pháp của mình.
Dự thảo Nghị định (NĐ) hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đã bỏ quyền cho, tặng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được quy định trong NĐ 160 trước đó.
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM) về nội dung này.
PV: Thưa ông, theo văn bản dự thảo mà NHNN đang lấy ý kiến rộng rãi thì việc cho-tặng ngoại hối sẽ không được phép. Ông có ý kiến gì về qui định này?
Ông Trương Trọng Nghĩa: Trong điều kiện hiện nay, theo tôi, người Việt Nam còn được nhận kiều hối bằng ngoại tệ hợp pháp và gửi tiết kiệm ngoại tệ hợp pháp thì chuyện quà tặng bằng ngoại tệ hợp pháp ấy là hợp pháp. Khi đã được tặng rồi, sử dụng ngoại tệ ấy như thế nào thì phải theo qui định của luật pháp.
PV: Tuy nhiên, NHNN sẽ qui định theo hướng cấm trao tặng?
Ông Trương Trọng Nghĩa: Điều đó là phi lý, vì tài sản ngoại tệ của tôi là hợp pháp thì tôi được quyền trao tặng hợp pháp, để thừa kế. Ví dụ tôi có 1 triệu USD trong tài khoản thì tôi có quyền để thừa kế cho con tôi. Còn chuyện con tôi khi nhận món quà đó sử dụng như thế nào thì đã có qui định của pháp luật rồi.
Hiện nay, mình vẫn được nhận quà tặng bằng kiều hối từ nước ngoài về hợp pháp thì tại sao trong nước lại không được tặng nhau. Thế nhưng việc tôi có tiền Việt Nam nhưng lại đi mua USD để tặng người khác thì lại là chuyện khác. Nó sẽ vi phạm qui định về mua bán ngoại tệ. Còn người ta có sẵn tài sản hợp pháp thì có quyền cho, tặng.
Ở đây có thể NHNN sợ có chuyện mua bán ngoại tệ mà núp dưới bóng cho tặng. Phát hiện và xử lý việc này là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng phải đi phát hiện và xử phạt bằng những qui định pháp luật. Chứ không phải vì một thiểu số gian lận, hay tự mình nghĩ người ta gian lận để cấm đoán. Ngay cả chuyện người ta có gian lận thì cũng phải chứng minh được đó là tài sản phạm pháp. Người nào mà cố tình vi phạm luật thì bị trừng phạt nặng. Ví dụ tịch thu, thậm chí bị xử phạt hành chính, thậm chí là xử lý hình sự nếu với khối lượng lớn…
PV: Giả định qui định đó được áp dụng thì có khả thi, thưa ông?
Ông Trương Trọng Nghĩa:Theo tôi không có tính khả thi. Vì hiện nay có thực tế là ở mức độ nào đó chúng ta chưa quản lý được USD, ngoại tệ lưu hành trên thị trường, chưa nói chuyện nó ảnh hưởng tới hội nhập, du lịch. Ví dụ người thân ở nước ngoài về và vẫn cho tặng trong một chừng mực nào đó thì nó vẫn lưu hành trên thị trường. Và việc mình cấm cũng không khả thi. Vấn đề đặt ra là có nên hay không chứ không nên đặt vấn đề có khả thi không.
Chừng nào người Việt Nam còn được nhận kiều hối bằng ngoại tệ, sở hữu ngoại tệ ở Việt Nam, được gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ và hưởng lãi suất bằng ngoại tệ thì chừng ấy nên để người dân được tặng, cho, thừa kế kiều hối ấy lẫn nhau.
PV: Trong trường hợp, tất cả ngoại hối vào Việt Nam phải chuyển thành nội tệ, ông thấy có khả thi?
Ông Trương Trọng Nghĩa: Nếu qui định như vậy thì sẽ là một đòn giáng vào lượng kiều hối chuyển về, có thể nói là lợi bất cập hại. Điều quan trọng chúng ta phải làm là đồng tiền Việt Nam đến một ngày nào đó phải được chuyển đổi tự do với những đồng tiền khác thì lúc đó sẽ không còn chuyện này nữa. Hiện nay, một số nước chưa chuyển đổi được thì người ta có hình thức khác, ví dụ qua Singapore có thể dùng tiền Việt Nam để đổi tiền Sing. Cái quan trọng là phải đạt được điều ấy. Hiện nay chúng ta đang ở trong tình trạng là tạm thời đồng tiền của chúng ta yếu kém không chuyển đổi được với các nước thì phải chấp nhận cho chuyển kiều hối về và công dân Việt Nam được sở hữu hợp pháp. Trong trường hợp ấy họ được tặng, cho hợp pháp. Tôi nhắc lại là những ai kinh doanh ngoại tệ dưới hình thức này thì cơ quan Nhà nước phải đi xác minh, điều tra chứ không nên vì thiểu số mà đặt ra những qui định gây khó khăn, gây tác hại cho người dân trong việc sử dụng tài sản hợp pháp của mình.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên ban cố vấn của Chính phủ: “Phải qui định cụ thể, tặng bao nhiêu là vừa”.
Mua bán ngoại tệ mà núp dưới hình thức mà núp dưới hình thức cho, tặng thì phải xử lý bằng một luật khác. Hành vi đó gọi là gian lận thương mại và gian lận thanh toán. Giống như chuyện hối lộ để làm một điều gì đấy rồi bảo cho vay, tặng nhau hoặc giúp đỡ nhau… thì cũng là hành vi phi pháp. Cho nên, việc dùng ngoại tệ để thanh toán, mua bán nhưng núp dưới hình thức tặng thì nên bị xử lý bằng hình thức khác, hoặc phải có điều tra để xử lý vì nó liên quan đến công bằng thương mại, gian lận thương mại, gian lận thanh toán, kể cả việc dùng ngoại tệ để thanh toán các dịch vụ nội địa.
Còn quà tặng đúng nghĩa của nó thì không nên cấm. Vì người dân có những thu nhập hợp pháp bằng ngoại tệ. ví dụ đi nước ngoài không tiêu hết ngoại tệ thì để trong nhà, có thể mừng tuổi cho con, cháu vào dịp Tết hoặc hỗ trợ nhau theo cách tặng cho một người nào đó hát một bài hát… Những thứ đó mà ngăn cấm thì cũng không sai nhưng khó kiểm soát. Vì thực ra, nếu là tặng thì nội tệ hay ngoại tệ thì cũng không khác gì nhau. Có khi có người thích tặng ngoại tệ có thể không phải là USD mà một đồng tiền kỷ niệm nào đó của nước ngoài (kíp Lào, bảng Anh). Xảy ra tình huống đó mà cơ quan chức năng “nhảy bổ” vào bắt thì nghe chừng không ổn và khó thực thi.
Những trường hợp mua bán, thanh toán bằng ngoại tệ mà gian lận dưới dạng quà tặng thì phải điều tra và nghiêm trị. Còn những trường hợp thực sự là quà tặng thì giống như qui định của nước ngoài là nhận quá bao nhiêu USD thì gọi là hối lộ. Vì thế, phải qui định cụ thể, tặng bao nhiêu là vừa.
Pháp luật cho phép dân được giữ ngoại tệ, giống như được giữ vàng và được tặng vàng. Sau này người ta cũng có thể gian lận. Những trò gian lận thì phải dùng Luật để trị.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc): “Phải nâng giá trị đồng tiền Việt Nam lên”
Nếu xảy ra tình huống này thì mình phải làm giá trị tiền Việt của tăng lên một bước nữa. Tôi nghĩ mục tiêu NHNN đưa ra là đúng vì mình coi trọng đồng tiền của mình. Nếu trao tặng đồ vật thì không nói nhưng nếu giá trị là tiền thì phải bằng tiền Việt và phải công bố bằng tiền Việt. Quan điểm đúng hơn là đã sang đến Việt Nam nếu trao tặng thì phải tặng tiền Việt. Người được trao tặng rất vinh dự và người được nhận cũng rất vinh dự. Vì vậy, cái vinh dự lớn hơn nữa phải là đất nước. Để nâng giá trị tiền Việt lên thì phải quy đổi thành VND.