Cần chính sách cho quỹ tín dụng bảo lãnh khoản vay làm nông nghiệp?
VOV.VN - Hạn mức vay tín chấp trong nông nghiệp sẽ tăng gấp 2 lần, nhưng sẽ vẫn là chưa đủ khi không có chính sách hỗ trợ để thu hút các nguồn vốn khác.
Nông nghiệp là một động lực của nền kinh tế
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối quý 1 năm 2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1.366.248 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng khoảng 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế.
Trong tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nông nghiệp đạt 488.746 tỷ đồng, chiếm 35,8%. Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về tài sản bảo đảm, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các doanh nghiệp uy tín, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trong tổng dự nợ đối với doanh nghiệp nông nghiệp, tỷ trọng dư nợ tín dụng không có tài sản bảo đảm chiếm 11%.
Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30 của Chính phủ (ngày 07/3/2017) đạt dư nợ hơn 40.000 tỷ đồng với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Trong các năm từ 2015-2017, các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.168 tàu…
Nông nghiệp là một động lực của nền kinh tế Việt Nam |
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ của Chính phủ, nền nông nghiệp Việt Nam đang và sẽ là thế mạnh của nền kinh tế. Để phát huy thế mạnh này, cần có một chiến lược dài hạn, xác định rõ thị trường tiêu thụ để tổ chức sản xuất phát triển nông nghiệp một cách bền vững. Tín dụng của nông nghiệp là vấn đề then chốt. Cơ cấu tín dụng cho nông nghiệp những năm gần đây có tăng trở lại nhưng vẫn ở mức thấp so với trước đây (trước đây dự nợ cho vay nông nghiệp 27-28% tổng dư nợ của nền kinh tế).
“Nguồn tín dụng nông nghiệp phải duy trì lâu dài mới tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất. Giá trị gia tăng bình quân trong nông nghiệp đang tăng lên, trái lại giá trị gia tăng trên đầu lao động của công nghiệp đang giảm xuống. Điều này cho thấy động lực kinh tế của Việt Nam trong tương lai sẽ ở khu vực nông nghiệp và dịch vụ” – ông Nghĩa nói.
Hạn mức tín dụng sẽ được tăng gấp 2, nhưng chưa đủ
Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn dù được hỗ trợ nhiều về chính sách trong thời gian qua nhưng tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng không cao, do vậy Chính phủ đã xây dựng một nghị định mới sửa đổi bổ sung để hỗ trợ tín dụng cho khu vực này. Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (có hiệu lực từ ngày 25/10/2018) sẽ tăng gấp 2 lần hạn mức cho vay tín chấp trong nông nghiệp so với trước đây.
Từ ngày 25/10/2018, cho vay tín chấp trong nông nghiệp hạn mức sẽ tăng gấp 2 lần . (Ảnh: Vietcombank) |
Theo quy định mới hạn mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tối đa 100 triệu đồng (quy định cũ là 50 triệu đồng). Đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn tối đa 200 triệu đồng (quy định cũ 100 triệu đồng). Đối với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án.
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, dù Nghị định 116 có tăng gấp 2 hạn mức cho vay không có tài sản trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng vẫn chưa đủ. Ngoại trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội có cho vay trong khu vực nông nghiệp, nông thôn với mức tín dụng lớn, còn lại hầu hết các ngân hàng khác đều “ngại” cho vay khu vực này. Cho vay trong nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như thiên tai, dịch bệnh, biến động của thị trường hay rào cản thương mại phức tạp với nông sản. Đây là những yếu tố khó kiểm soát khiến các tổ chức tín dụng không muốn cho vay trong nông nghiệp.
Để thực sự có thể thu hút nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp thì cần có chính sách cho quỹ tín dụng thực hiện bảo lãnh cho các khoản vay trong nông nghiệp. Quốc hội, Chính phủ hàng năm phải phê duyệt được một khoản tín dụng cho hoạt động của các quỹ tín dụng này, như vậy mới có thể khiến các ngân hàng thương mại cho vay nhiều hơn khu vực này, TS Hiếu phân tích thêm.
“Hoạt động của các quỹ tín dụng nhằm thu hút thêm các nguồn vốn ngoài ngân sách vào cho vay nông nghiệp, đây là sự bảo đảm của Nhà nước đối với các khoản vay. Bảo lãnh cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nghĩa là chấp nhận rủi ro có thể sẽ bị mất vốn khi bị tác động bởi các yếu tố khách quan (thiên tai, bệnh dịch, thị trường) nhưng mục tiêu quan trọng là hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững, một trong những trụ cột của nền kinh tế” – TS Hiếu nói./.
Dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng bình quân gần 20%/năm
Doanh nghiệp khó tiếp cận gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao