Cần công khai những điểm giao dịch vàng được cấp phép
(VOV) -Ngày 10/1, Thông tư quy định về kinh doanh vàng miếng có hiệu lực.
Theo đó, sẽ chỉ còn gần 2.500 điểm kinh doanh vàng miếng trên cả nước thuộc 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng, thay thế hàng chục ngàn điểm kinh doanh vàng miếng trước kia.
Trước thời điểm Thông tư có hiệu lực, thị trường giao dịch vàng miếng giảm đi đáng kể, thay vào đó là giao dịch vàng nhẫn trang sức. Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo người dân nên thận trọng khi giao dịch vàng này và yêu cầu các đơn vị cần công khai thông tin để thuận tiện cho việc giao dịch.
Tại các tuyến phố kinh doanh vàng như Trần Nhân Tông, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bạc, Hà Trung của Hà Nội, các cửa hàng vàng vẫn mở cửa nhưng giao dịch, mua bán vàng miếng rất thưa thớt. Tại nhiều cửa hàng, giao dịch chủ yếu là vàng trang sức, đặc biệt là vàng nhẫn 4 số 9. Khách hàng chọn loại vàng nhẫn được đóng vỉ và dán tem bao bì của nhà sản xuất bởi họ cho rằng loại vàng này bảo quản tốt mà không sợ bị mất giá trị.
Chị Bùi Thị Hạnh, một người dân đi mua vàng cho biết: “Ngày xưa, tôi mua vàng miếng về cất vào két, chỉ một thời gian sau mang ra đổi đã bị trừ gia công hay là rách bao thì tôi cũng không hiểu tại sao lại bị trừ như thế. Nhưng vàng này lại bảo quản rất là tốt”.
Hiện người dân chủ yếu chọn loại vàng nhẫn 4 số 9 hay vàng nhẫn SJC của công ty vàng bạc đá quý Doji và Công ty kinh doanh vàng SJC chi nhánh miền Bắc. Đại diện của công ty vàng bạc đá quý Doji cho biết, 1 tháng nay công ty đã bán được hơn 100 lượng vàng SJC ở dạng nhẫn đóng vỉ platic theo giá giao dịch tương đương với giá giao dịch vàng miếng cùng thời điểm.
Còn bà Lê Thúy Hằng, Giám đốc Công ty kinh doanh vàng SJC chi nhánh miền Bắc cho biết, giao dịch vàng nhẫn SJC chậm hơn thời gian trước và giá giao dịch vàng nhẫn trang sức được niêm yết thấp hơn giá vàng miếng khoảng 2 triệu đồng/lượng.
Bà Lê Thúy Hằng cho biết: “Vàng nhẫn SJC là vàng đúng chuẩn 4 số 9 và chúng tôi sản xuất vàng từ rất lâu rồi. Chúng tôi không làm niêm bao bì, khách muốn mua loại có bao bì hay không đều có, nhưng có nêm bao bì thì cộng thêm 5.000. Thực chất tất cả vàng nhẫn được bán theo giá nữ trang và chất lượng là đúng 4 số 9. Hiện nay, chúng tôi niêm yết nhẫn đó theo giá vàng nữ trang. Vàng nhẫn của chúng tôi chủ yếu phục vụ cửa hàng ở 50 Giang Văn Minh và Hàng Da, vàng mua bán phải theo giá mua vào và bán ra ở thời điểm khách bán”.
Theo Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, người dân nên thận trọng khi mua loại vàng nhẫn này với mục đích tích trữ bởi theo Nghị định 24 thì nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng. Nhưng vàng nhẫn dù được ở dưới tên vàng nhẫn SJC hay vàng nhẫn 4 số 9 vẫn là vàng trang sức, không nằm trong danh mục sản phẩm nhà nước quản lý độc quyền. Khi chúng ta đã mua vàng này bằng với giá vàng miếng thì phần thiệt thòi sẽ thuộc về người dân, không ai đảm bảo về giá của loại vàng này.
Tiến sỹ Ngô Trí Long giải thích thêm: “Chúng ta cần cảnh báo đó là về chất lượng ai dám đảm bảo là vàng đủ 4 số 9. Chúng ta đã biết trong thời kỳ vừa qua ngay như vàng mà nhà nước độc quyền SJC vừa qua thì cũng có hiện tượng vàng nhái. Thứ 2 là mua ở đâu bán ở đó nếu bán ở nơi khác thì bị ép giá ngay bản thân khi bán tại nơi đó khi chênh lệch giá mua và giá bán người tiêu dùng cũng bị thiệt. Thứ 3 là trong bối cảnh tình hình thế giới biến động và 1 thương hiệu nào đó của vàng nhẫn đóng gói không tồn tại thì chắc chắn khi đó người thiệt thòi và người dân”.
Như vậy, khi quyết định chấm dứt gần 70% điểm giao dịch kinh doanh vàng miếng không đủ điều kiện nhằm thiết lập lại trật tự kinh doanh vàng miếng tại Việt Nam đã thấy nguy cơ về biến tướng mới trong hoạt động kinh doanh này.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, điều cần thiết là Ngân hàng nhà nước cần có công bố công khai những điểm giao dịch kinh doanh vàng được cấp phép để người dân được biết, tránh thiệt hại không đáng có: “Trước hết, cần khẳng định Nghị định 24 và Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước với mục tiêu quan trọng nhất là chống vàng hóa trong thời gian tới là phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước. Tuy nhiên để đảm bảo được mục tiêu này và tránh hệ lụy tái sinh thì cần minh bạch quy định liên quan đến nội dung quản lý. Những đơn vị được cấp phép phải tránh hiện tượng lạm dụng buôn bán giấy phép cho đơn vị khác làm quay trở lại tình trạng cũ.Về nguyên tắc, NHNN cũng cần có công bố, cáo bạch công khai thông tin cũng như dán thông tin tại các cửa hiệu ngân hàng được phép kinh doanh vàng thương hiệu. Đặc biệt phải thông tin rõ quyền lợi trách nhiệm của các bên liên quan trong buôn bán, kinh doanh cung ứng hoạt động này và các chế tài cần hoạch định từ bây giờ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Khi mạng lưới các điểm kinh doanh vàng miếng được cấp phép đi vào hoạt động, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia điều tiết cung - cầu, gián tiếp tác động đến giá nếu có biến động bất hợp lý để thị trường ổn định. Thiết lập và đưa hệ thống kinh doanh vàng vào khuôn khổ là điều hết sức cần thiết để Ngân hàng Nhà nước thu được thuế và khách hàng có thể mua bán ở những nơi được Nhà nước đảm bảo. Đã hết thời buôn vàng dễ như buôn rau./.