Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư dự án năng lượng tái tạo
VOV.VN - Thu hút đầu tư cho dự án năng lượng tái tạo cần hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đó là ý kiến của đại biểu tại Diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư năm 2024 với chủ đề “Thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh” diễn ra tại TP.HCM hôm nay (ngày 20/9). Diễn đàn do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức.
Nhiều dự án được quy hoạch
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố đã có Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 – 2030, có cơ chế chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98, đó là những hành lang pháp lý cần thiết cho sự thúc đẩy phát triển các dự án xanh. Thành phố xác định 14 nhóm nhiệm vụ chính và nhấn mạnh yếu tố “xanh” trong phát triển, nổi bật là các dự án năng lượng tái tạo, vì chuyển đổi công nghiệp phải gắn với chuyển đổi năng lượng. TP quy hoạch nhiều dự án năng lượng tái tạo và cần thu hút đầu tư.
Thành phố có rất nhiều dự án có thể làm được, ví dụ như đốt rác phát điện, hiện nay TP.HCM đang có 5 nhà máy sắp khởi công. Những bãi rác lớn hiện nay, TP cũng đưa vào quy hoạch làm nhà máy đốt rác để phát điện và xử lý rác cũ phát điện. TP cũng đang quy hoạch nhà máy điện gió ở Cần Giờ và TP có chiến lược phát triển điện mặt trời trên máy nhà.
TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, TP có nhiều lợi thế khi có Nghị quyết 98 cho phép thí điểm cơ chế đặc thù của để thu hút các dự án đầu tư này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp không ít thách thức, do những quy định chung của chính sách khung cho lĩnh vực năng lượng tái tạo chưa đầy đủ. Cho nên có tình trạng doanh nghiệp muốn làm nhưng không làm được, hoặc bị trì hoãn do vướng mắc. Không chỉ vậy, việc thiếu quy định, hướng dẫn còn làm tăng nguy cơ phát sinh tranh chấp, khiến nhà đầu tư lo ngại.
Có cơ chế nối lưới điện mặt trời áp mái
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh - Luật sư Cấp cao Công ty Luật TNHH Kim & Chang (Việt Nam), hiện nay một dự án trong lĩnh vực này chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định, phân tán tại các luật khác nhau. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh khuôn khổ pháp luật tại Việt Nam còn nhiều điểm chồng chéo và chưa theo kịp thực tiễn.
Luật sư Minh đề xuất: với sự trợ lực từ Nghị quyết 98, TP cần có những bước đi quyết liệt, mạnh dạn hơn nhằm tận dụng những lợi thế từ cơ chế đặc thù.
Thành phố cần công bố thông tin các dự án một cách rất cụ thể, chi tiết để nhà đầu tư tìm hiểu để biết đầu tư theo hình thức nào, điều kiện thế nào, quy trình lựa chọn nhà đầu tư ra sao? Trên cơ sở đó họ mới có thể đàm phán. TP cần hướng dẫn rõ phương thức chọn nhà đầu tư, nội dung này chưa thực sự rõ ràng trong Nghị quyết 98.
Với dự án điện mặt trời áp mái, ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam), Tổng Giám đốc Schaeffler Việt Nam cho rằng, một trong những khó khăn của doanh nghiệp khi đầu tư lĩnh vực này là sự chậm trễ trong ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện. Điều này gây bế tắc cho nhà đầu tư đang vận hành các dự án năng lượng mặt trời sau năm 2020, tạo sự e ngại cho nhà đầu tư muốn triển khai các dự án mới trong thời gian tới. Ông Thắng đề nghị có cơ chế đấu nối nguồn điện này vào hệ thống lưới điện của EVN.
Vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp là nối hay không nối điện mặt trời áp mái vào hệ thống lưới điện, chuyện sử dụng công nghệ để giải quyết rủi ro khi đầu nối vào lưới điện nó không còn là vấn đề khó khăn của hiện nay. Vì vậy, chúng ta cần có thảo luận và đưa giải pháp kỹ thuật giải quyết vấn đề này, thay vì đưa ra mức hạn chế ở mức 500 KW thì được nối vào hệ thống lưới điện.