Cẩn trọng rủi ro bong bóng tài sản
VOV.VN - Cần có những biện pháp siết lại các “van” nơi nguồn tiền chảy vào các kênh đầu cơ khiến đất "sốt", chứng khoán tăng trưởng nóng, để cho các thị trường từ từ hạ nhiệt.
Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi rõ nét khi thể hiện qua GDP 6 tháng duy trì mức khá, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, song hành với quá trình phục hồi là sự nóng lên rất nhanh của các thị trường tài sản, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
Nguy cơ xuất hiện bong bóng tài sản
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm nay tăng 1,47%, đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ kể từ 2016 đến nay. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, không nên chủ quan với lạm phát, nguyên nhân là do CPI đang có xu hướng tăng dần. Cụ thể, CPI tháng 1/2021 giảm 0,97% nhưng tính chung quý I/2021 đã tăng 0,29% so với cùng kỳ năm trước và quý II tiếp tục tăng 2,67% so với quý II năm 2020. Theo đó, áp lực lạm phát sẽ theo xu hướng tăng dần cho đến cuối năm, đặc biệt khi giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào trên thế giới cũng như giá sản xuất trong nước hiện nay đang tăng cao. 6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất đã tăng hơn 4,7%, đây là mức tăng của 6 tháng cao nhất kể từ năm 2013, điều này cũng tạo áp lực lên lạm phát những tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, lạm phát đang chịu nhiều áp lực đến từ thị trường tài sản, đáng chú ý là hiện tượng sốt đất (bong bóng bất động sản) và dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán khiến thị trường này tăng trưởng đi lên, liên tục phá các đỉnh lịch sử, dẫn tới sự “lệch pha” ngày càng lớn với nền kinh tế thực. Điều đó đang đặt ra những hệ lụy lâu dài với ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, thị trường chứng khoán không thực sự là “hàn thử biểu” phản ảnh sức khoẻ của nền kinh tế, khi mà GDP của năm 2020 chỉ tăng ở mức 2,91%, 6 tháng đầu năm nay, GDP tăng 5,64% so với cùng kỳ năm trước.
“Tốc độ tăng trưởng GDP suy giảm do nền kinh tế bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó, có các doanh nghiệp ở nhiều khu công nghiệp. Trong khi đó, VN-Index tăng nóng vượt mốc 1.405 điểm, gây nên lo ngại về nguy cơ xuất hiện bong bóng trên thị trường chứng khoán”, TS. Hiếu nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng cao, nhưng tốc độ tăng trưởng huy động thấp. Điều này phần nào lý giải thông thường thay vì gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, nhà đầu tư đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản vì mặt bằng lãi suất thấp. Trong số nhà đầu mới tham gia thị trường chứng khoán gần đây, phần lớn không phải là nhà đầu tư tổ chức và chuyên nghiệp.
“Tiền đang đổ quá nhiều vào chứng khoán, nhất là dòng tiền tập trung trên thị trường thứ cấp, chứ không phải sơ cấp. Có nghĩa là tiền chưa đến túi của các nhà sản xuất, kinh doanh. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn nếu diễn biến như hiện nay không kiểm soát chặt. Một khi hình thành bong bóng chứng khoán, thì sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.
Hướng dòng tiền vào sản xuất
Sau những động thái quyết liệt của các cơ quan quản lý, thời gian gần đây, trên thị trường bất động sản dù đã có những dấu hiệu lắng dịu nhưng rủi ro vẫn hiện hữu. Đặc biệt, sự lưu thông, luân chuyển giữa chứng khoán và bất động sản là vấn đề đã được thực tế khẳng định khi cứ một kênh tăng trưởng nóng thường sau đó sẽ thấy dòng tiền đổ vào kênh còn lại. Và một khi các thị trường này rơi vào trầm lắng sẽ gây ra vòng xoáy áp lực đến ổn định vĩ mô, trong đó, có lạm phát.
Trước hiện tượng dòng tiền chảy mạnh vào các kênh đầu cơ, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, khuyến cáo cơ quan quản lý cần có động thái cảnh báo cho các nhà đầu tư phải hết sức thận trọng, đa dạng hóa các kênh đầu tư, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào khi chưa có sự hiểu biết, phân tích thấu đáo. Ðặc biệt không vay mượn, dùng đòn bẩy tài chính ở hệ số cao để đầu tư. Một trong những thách thức cho phát triển thị trường chứng khoán vốn hiện nay là nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững (chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân chưa chuyên nghiệp) dẫn đến nguy cơ bong bóng trên thị trường khi lượng vốn đổ vào từ các nhà đầu tư mới (F0).
“Các cơ quan quản lý cần có các giải pháp đẩy nhanh tính minh bạch, chuyên nghiệp cho các định chế tham gia thị trường chứng khoán. Về phía các địa phương, cần nhanh chóng vào cuộc ngăn chặn hiện tượng sốt đất và kênh đầu cơ mới xuất hiện”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.
Ðể hướng dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, các cơ quan quản lý cần quan tâm đến vấn đề rủi ro hệ thống vì có sự liên thông giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) nhằm đi đến sự thống nhất trong quản lý, phát triển thị trường, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ và các cơ quan quản lý trực tiếp cần có những biện pháp siết lại các “van” nơi các nguồn tiền chảy vào hai thị trường tài sản này để cho các thị trường từ từ hạ nhiệt. Tuy nhiên, không nên sử dụng có những biện pháp quá mạnh để điều chỉnh thị trường, bởi nếu siết mạnh sẽ khiến bong bóng vỡ - rất nguy hiểm, tạo ra những hỗn loạn trên thị trường, gây ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát.
“Các tổ chức tín dụng có vai trò chốt chặn quan trọng. Cần đảm bảo khách hàng vay và sử dụng vốn vay đúng mục đích, tránh tình trạng khách hàng vay sử dụng sai mục đích, đầu tư vào chứng khoán. Để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ, đưa ra các tiêu chí hết sức chặt chẽ để kiểm soát, xử lý các hiện tượng lách luật”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến./.