Cảnh báo nợ xấu ngân hàng tăng trở lại
VOV.VN -Kết quả kinh doanh quý 2 các ngân hàng công bố mới đây cho thấy, sự gia tăng đáng kể quy mô nợ xấu của hàng loạt ngân hàng.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 các ngân hàng công bố mới đây cho thấy, sự gia tăng đáng kể quy mô nợ xấu của hàng loạt ngân hàng, từ các ngân hàng tầm trung như Techcombank, Sacombank cho tới các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV… cá biệt có ngân hàng tỉ lệ nợ xấu đã tăng gấp 2,5 lần trong nửa đầu năm nay. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ xấu tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại khi việc xử lý nợ xấu chưa đi vào thực chất.
Nợ xấu tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại của nền kinh tế (Ảnh minh họa: KT) |
Theo báo cáo, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có tỉ lệ nợ xấu tăng đột biến, từ mức 1,86% vào cuối năm ngoái lên mức 5,3% cuối quý 2 vừa qua. Tỉ lệ nợ xấu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng tăng từ 2.261 tỉ đồng lên 3.113 tỉ đồng. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỉ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% cuối năm ngoái lên mức 2%, tương ứng với hơn 3.000 tỉ đồng nợ xấu tăng thêm.
Một số ngân hàng thương mại lớn, tỉ lệ nợ xấu không tăng hoặc thậm chí giảm nhẹ do tăng trưởng tín dụng cao, nhưng nếu tính theo giá trị tuyệt đối thì cũng tăng lên. Bà Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, một phần là do trong nửa đầu năm nay lượng nợ xấu chuyển sang Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) rất hạn chế; mặt khác, nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng đang dần thực chất hơn, thay vì tiếp tục chuyển từ “túi” này sang “túi” khác.
Theo bà Mùi, những khoản nợ mà trước đây đáng lẽ là rất xấu thì lại được cơ cấu lại nợ lại trở thành nợ bình thường thì đến thời điểm 2016-2017 nó dần dần lộ diện là chưa xử lý được thì cũng làm cho nợ xấu tăng lên. Khi VAMC không còn những chỉ tiêu bắt buộc như những năm trước đây là 6 tháng phải bán bao nhiêu nợ xấu cho VAMC thì rõ ràng là các tổ chức tín dụng tự thân vận động xử lý khoản nợ xấu này. Ở 1 chừng mực nhất định, mặc dù các biện pháp xử lý cũng ráo riết nhưng vẫn còn những vướng mắc, vì thế mà nợ xấu xử lý còn có những hạn chế nhất định.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng qua, cả nước có gần 42.630 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục phá sản, tăng 12% so với cùng kì năm trước. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng ghi nhận mức 8,16%, nhưng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản. Với thực tế này, các chuyên gia kinh tế dự báo, trong nửa cuối năm, xu hướng tăng của nợ xấu vẫn nhiều tiềm ẩn. Đặc biệt, trong khi nợ xấu mới có thể phát sinh thì việc giải quyết số nợ xấu cũ trong những năm qua chủ yếu trên phương diện kỹ thuật, chuyển nợ từ ngân hàng thương mại sang Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
PGS. Đặng Ngọc Đức, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Việt Nam áp dụng những tiêu chuẩn n toàn theo thông lệ quốc tế đòi hỏi rất cao về chất lượng tín dụng. Cho nên trước đây những khoản tín dụng nào đó chưa được coi là nợ xấu hoặc chưa bị xếp vào những nhóm nợ xấu thì bây giờ sẽ phải xếp vào nhóm nợ xấu theo tiêu chuẩn mới”.
Trước xu hướng tăng trở lại của nợ xấu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, xử lý nợ xấu sẽ là một thách thức lớn và là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành những tháng cuối năm nay. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các biện pháp về trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Ngoài ra, đối với việc xử lý nợ xấu qua VAMC vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo để có thể kiểm soát được nợ xấu ở dưới mức 3%.
Để xử lý nợ xấu một cách thực chất hơn thay vì chỉ gom nợ xấu về kho của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam như hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nên trao thêm quyền năng cũng như tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho đơn vị này.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, một trong những điều kiện mà VAMC có thể mua được nợ xấu là phải tăng vốn điều lệ lên để có khả năng mua nợ xấu từ các ngân hàng. Bản thân các ngân hàng cũng phải tăng cường quản lý rủi ro. Tất cả những điều kiện cho vay cũng như vấn đề thẩm định tài sản thế chấp, thẩm định khả năng trả nợ của khách hàng phải rất chặt chẽ, tăng cường quản lý rủi ro thì mới có thể ngăn chặn được nợ xấu.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều thông tư, chỉ đạo về việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, tạo sự thông thoáng, chủ động cho các tổ chức tín dụng cũng như Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Tuy nhiên, vướng mắc, tồn tại trong việc mua bán nợ xấu vẫn còn khá nhiều như: trách nhiệm pháp lý, năng lực tài chính, xử lý tài sản đảm bảo… vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh các biện pháp quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, cần có sự nỗ lực hơn nữa từ ngân hàng, doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng./.