Cao su Điện Biên kỳ vọng vào mùa thu hoạch đầu tiên
VOV.VN - Sau nhiều thời gian mong mỏi, năm nay cây cao su Điện Biên sẽ cho thu hoạch mùa đầu tiên, mở ra nhiều kỳ vọng cho người dân nơi đây.
Cây cao su bắt đầu bén rễ tại tỉnh Điện Biên từ năm 2008, đến nay đã có hàng nghìn hộ dân trên địa bàn góp đất trồng gần 5.000 ha cao su. Sau nhiều thời gian mong mỏi, năm nay, cao su Điện Biên sẽ cho thu hoạch mùa đầu tiên, mở ra nhiều kỳ vọng cho người dân nơi đây.
Tại vườn cao su xã Mường Pồn, huyện Điện Biên - nơi có diện tích cây cao su được trồng từ năm 2008, những ngày này, các công nhân đang rất nỗ lực với việc thực hành cạo mủ cây cao su.
Các công nhân đang rất nỗ lực thực hành cạo mủ cao su, chuẩn bị cho thu hoạch đại trà vào tháng 5 tới. |
Anh Phan Xuân Phương, Đội trưởng Đội 1 Cao su xã Mường Pồn chia sẻ, anh em công nhân được cán bộ công ty đào tạo bài bản, bước đầu đã nắm bắt được kỹ thuật.
Chị Cà Thị Nga, Bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên đã có 6 năm tham gia trồng cao su hài lòng với môi trường làm việc của công ty và cho biết, công việc này cũng đem lại cho chị và gia đình những thu nhập đáng kể.
“Môi trường làm việc tại công ty rất thoải mái. Thu nhập thường xuyên 1 tháng của mỗi công nhân vào khoảng 3 – 3,5 triệu đồng, nếu so với làm nương làm rẫy thì làm việc ở đây tốt hơn rất nhiều”, chị Nga nói.
Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên có gần 5.000 ha cây cao su, trong đó hơn 3.700 ha thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên. Theo kế hoạch, năm nay đơn vị sẽ đưa vào khai thác gần 700 ha cây cao su đủ tiêu chuẩn, sản lượng năm đầu tiên ước tính khoảng 6 tạ/héc ta. Trong đó, các hộ gia đình tham gia góp đất trồng cao su sẽ được hưởng quyền lợi dựa trên hợp đồng đã ký kết với đơn vị.
Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cho biết, công nhân công ty đa phần là đồng bào địa phương, nên trình độ tay nghề kỹ thuật đang còn nhiều hạn chế. Do đó trong thời gian tới, phía công ty sẽ tiếp tục vận động bà con đồng bào dân tộc vào làm công nhân, đào tạo để trở thành công nhân có tay nghề cao.
Những năm qua, việc phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn nhiều vướng mắc, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương đôi lúc còn hạn chế. Cây cao su ở Điện Biên cũng chậm thu hoạch hơn so với lộ trình.
Trồng và khai thác mủ cao su sẽ đem lại cho người dân thu nhập đáng kể. |
Do đó, tỉnh Điện Biên đã chủ trương tạm thời ngừng trồng mới để tập trung công tác chăm sóc, chuẩn bị cho mùa thu hoạch đầu tiên và thực hiện các biện pháp đảm bảo quyền lợi cho người dân góp đất trồng cao su.
Ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho biết, trên cơ sở định hướng quy hoạch, tỉnh Điện Biên đã ban hành chính sách về hỗ trợ phát triển cây cao su.
“Tỉnh sẽ hỗ trợ cho người dân khi tham gia góp đất vào trồng cây cao su với các công ty cổ phần cao su từ 4,5 đến 6 triệu đồng/1 ha chuyển đổi. Ngoài ra trên diện tích đất trồng cao su, nếu người dân thực hiện trồng xen ghép các loại cây trong thời gian chưa khép tán cũng sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ về giống và phân bón” ông Đô nêu rõ.
Điện Biên – những tín hiệu vui từ cây cao su