Cây cao su là hình mẫu cho hợp tác kinh tế Việt Nam- Campuchia

Đây là đánh giá của Phó Thủ tướng Campuchia Yim Chhay Ly trong chuyến thăm và khảo sát các dự án cao su của Việt Nam tại khu vực Đông Bắc Campuchia.

Các dự án do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam triển khai tại Campuchia có hiệu quả kinh tế-xã hội rất cao, là hình mẫu tiêu biểu cho quan hệ hợp tác đặc biệt Campuchia-Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế. Đó là đánh giá của Ngài Yim Chhay Ly, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Campuchia, trong chuyến thăm và khảo sát các dự án cao su của Việt Nam tại khu vực Đông Bắc Campuchia vừa qua.

Phó Thủ tướng Campuchia Yim Chhay Ly đi thăm một công ty trồng cao su Việt Nam tại tỉnh Rattanakiri

Tính đến hết đợt trồng mới giai đoạn mùa mưa năm nay, các công ty thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã trồng 70.000 ha cao su trên đất Campuchia, sau 3 năm chính thức triển khai dự án. Lãnh đạo Tập đoàn tin tưởng, sẽ hoàn thành mục tiêu trồng 100.000 ha cao su đầu tiên tại Campuchia trong năm 2013, sớm 2 năm so với kế hoạch ký năm 2009 giữa Chính phủ hai nước.

Hiệu quả kinh tế-xã hội cao và tiến độ triển khai khẩn trương, nghiêm túc của dự án là cơ sở để Chính phủ Campuchia tin tưởng giao thêm cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam 40.000 ha đất, mở rộng diện tích trồng cao su.

Tập đoàn hiện có 19 đơn vị thành viên trồng cao su tại 8 tỉnh như Ratanakiri, Strung Treng, Kratie, Mondulkiri, Kampong Thom, Preah Vihear... Đây là khu vực miền núi khó khăn của Campuchia, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nguồn lao động khan hiếm…

Phát biểu trong chuyến khảo sát tại Công ty Cao su Mang Yang-Ratanakiri ngày 23/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Campuchia Yim Chhay Ly ghi nhận, 70.000 ha cao su vừa được trồng là kết quả của sự nỗ lực mạnh mẽ, là thành tích thiết thực kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và năm hữu nghị Campuchia – Việt Nam.

Phó Thủ tướng Yim Chhay Ly cho biết: “70.000 ha cao su này đóng góp quan trọng vào việc củng cố và phát triển cơ sở kinh tế; xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân Campuchia. Đây thực sự là một thành tựu tốt đẹp”.

Lô cao su này sẽ đưa vào khai thác mủ cuối năm 2012

Ông Đặng Đôn Cư, Giám đốc Công ty Cao su Phước Hòa-Kompong Thom, một trong những người lăn lộn với các dự án trồng cao su trên đất Campuchia từ ngày đầu tiên, cho biết, tất cả dự án do Tập đoàn đầu tư trên đất bạn đều được thực hiện theo phương châm đầu tư tới đâu thì ở đó có điện, đường, trường, trạm, và cả chùa để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của bà con địa phương. Ước tính 100.000 ha trên đất Campuchia sẽ mang lại việc làm ổn định cho 30.000-40.000 lao động Campuchia, cùng thu nhập trên 150 USD/tháng.

Ông Leng Lon, 58 tuổi, quê ở tỉnh Kompong Cham, xúc động cho biết, qua 3 năm gắn bó với nghề trồng cao su, đời sống của gia đình ông đã khấm khá hơn trước kia rất nhiều. Công ty giúp đào tạo nghề, sắp xếp nhà ở cho cả gia đình, cho thuốc men, quần áo… chuẩn bị mọi thứ đầy đủ để người dân yên tâm trồng cao su, xây dựng lâm trường.

“Trước đây tôi đã khổ nhiều, nay tôi hoàn toàn yên tâm cố gắng làm việc thật chăm chỉ để gia đình ngày một sung túc”- ông Leng Lon chia sẻ.

Nhà ở cho công nhân lâm trường cao su

Qua 3 năm triển khai dự án, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã xây dựng được hơn 81.000m2 nhà ở cho người lao động Campuchia, cùng hàng nghìn mét vuông trường học, thư viện, bệnh xá…; hơn 216km đường giao thông cấp phối phục vụ dân sinh. Ngoài ra, các đơn vị của Tập đoàn cũng tham gia đóng góp hơn 2 triệu USD cho các hoạt động phúc lợi xã hội trên đất bạn, góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết truyền thống đặc biệt Việt Nam – Campuchia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên