Cây chè Tà Xùa cần được đầu tư đúng mức
(VOV) - Chủ trương mới sẽ là phục tráng và trồng mới 200 ha chè Shan tuyết cổ thụ, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm chè ổn định, lâu dài.
Mọi người khi đến huyện vùng cao Bắc Yên của tỉnh Sơn La, ai cũng tìm mua làm quà thứ chè đặc sản nổi tiếng nơi đây. Cây chè đã gắn bó bao đời nay với bà con vùng cao Tà Xùa. Thế nhưng hiện nay, sản phẩm chè Tà Xùa đang gặp nhiều thăng trầm, đó là việc không có sự liên kết 4 nhà, đầu ra bấp bênh, tư thương ép giá.
Cây chè Tà Xùa sẽ được đầu tư đúng mức sau nhiều năm chưa tìm được hướng đi.(Ảnh: trathuanviet.com) |
Trên đỉnh cao 1.400-1.500m so với mực nước biển, xã người Mông Tà Xùa nằm gọn trong những đồi chè quanh năm sương mù bao phủ. Cả xã có hơn 390 hộ thì gần một nửa trong số này là những hộ dân vùng chè, nhà nhiều vài ha, nhà ít cũng nửa ha.
Chè Shan tuyết Tà Xùa có búp màu trắng, cánh vàng, lá to được bà con lại chăm bón tự nhiên, không sử dụng hóa chất, việc thu hái, sao chế tuân thủ đúng theo kinh nghiệm cha ông để lại nên chè khi uống có vị thơm, ngọt thanh, mát dịu. Màu nước chè từ khi pha tới vài nước sau vẫn giữ được nguyên màu xanh lơ đỏ. Khi uống chè, cảm giác đầu tiên là vị đắng chát, sau đó dần chuyển sang ngọt, hương vị chè thơm đặc biệt khác lạ so với các dòng chè khác.
Ông Mùa A Giao, ở bản Tà Xùa A, một người dân gắn bó với cây chè vài chục năm nay cho rằng, khi thấy chè đạt “một tôm 2 lá” thì hái. Sáng đi hái, chiều tối về phải sao ngay như thế uống mới ngon.
Cây chè được đưa vào trồng ở Tà Xùa từ những năm 1967-1970 với diện tích trên 100 ha, trong đó đang cho thu hoạch trên 80 ha, tập trung chủ yếu ở các bản Tà Xùa A, Tà Xùa C, Mống Vàng, Chung Chinh, Bản Bẹ. Trong số này có khoảng 1 - 2 ha, tương đương 400 – 500 cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, tán rộng, thân xù xì màu bạc cao 10 - 15m, mỗi cây có thể cho thu hoạch 7-8 kg chè nguyên liệu.
Chè Tà Xùa không chỉ là thuốc chữa bệnh, mà còn là cây đặc sản giúp bà con nơi đây có thêm thu nhập. Với 3 vụ thu hoạch trong năm, giá bán bình quân từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng/kg chè khô, đặc biệt vào dịp Tết hằng năm giá bán chè thường tăng lên gấp 1,5 – 2 lần.
Như Gia đình ông Mùa A Thào ở bản Móng Vàng có hơn 1,5 ha chè. Vài năm nay, vào mùa thu hoạch, tháng nào ông cũng có thu vài tạ chè tươi, tương đương vài chục kg chè khô. Nguồn thu này, cùng các nguồn thu khác từ sản xuất, chăn nuôi đã giúp gia đình ông thoát đói nghèo.
“Chỉ cần hái được cân chè xuống chợ huyện là bán được 150.000-200.000 đồng là cũng mua được cân muối, thức ăn về cho gia đình. Từ nguồn thu nhập này, gia đình cùng nhiều bà con ngày càng muốn trồng mở rộng thêm diện tích chè”, ông Thào cho biết:
Tuy nhiên, điều ông Mùa A Thào, ông Mùa A Giao và bà con ở đây rất lo lắng là chè Tà Xùa hiện nay vẫn chưa có đầu ra ổn định, người dân sao chế thủ công rồi bán tự do cho thương lái, nên giá cả lên xuống thất thường. Không những thế, do chưa có xuất xứ, thương hiệu nên tình trạng thương lái bán buôn, pha tạp với các dòng chè khác đã làm mất đi chất lượng thật của chè.
“Làm ra sản phẩm khô rồi, bán có lúc có người mua, có lúc không có. Giá có lúc tụt xuống mấy chục nghìn đồng, có lúc chỉ còn 100.000 đồng/kg”, ông Giao trăn trở.
Đúng như trăn trở của bà con người Mông Suối Giàng. Đã có lúc giá chè Tà Xùa xuống quá thấp, chỉ xấp xỉ 5.000 – 8.000 đồng/kg chè búp tươi, chè khô từ chưa đầy 120.000 đồng/kg. Không bõ công chăm sóc, thu hái, nhiều người dân không còn mặn mà với chè. Cây chè không được đốn cành, chăm sóc nên năng suất, sản lượng thấp. Nhiều cây chè già cỗi tự chết, diện tích chè cổ thụ giảm nhiều so với trước.
Trước thực trạng này, Đảng bộ huyện Bắc Yên cũng đã có Nghị quyết về việc bảo tồn, xây dựng và phát triển vùng chè đặc sản Tà Xùa, mời gọi dự án đến khảo sát đầu tư, nghiên cứu, chọn lọc chè đầu dòng. Vài năm trước cũng đã có hợp tác xã về hợp tác với dân trồng mới, chăm sóc, thu mua. Nhưng rồi do thiếu vốn, những việc làm này đều chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Hiện nay, UBND huyện Bắc Yên đang tiếp tục chỉ đạo các phòng ban liên quan phối hợp với xã Tà Xùa xây dựng đề án phát triển vùng chè Đặc sản Tà Xùa từ năm 2012 - 2016. Mục tiêu của đề án là phục tráng cải tạo 100 ha chè Shan tuyết cổ thụ được trồng những năm trước, trồng mới 100 ha, chuyển giao kỹ thuật trồng chăm sóc chè cho dân, xây dựng nhãn hiệu, nhà xưởng chế biến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hiện nay đề án đang trong thời gian thẩm định trình phê duyệt phân bổ kinh phí đầu tư.
Ông Lường Duy Bân, phó chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết, hiện nay, huyện đã lập ban dự án để tiến hành hỗ trợ bà con, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp có nguyện vọng tiếp cận, đầu tư đối với diện tích chè của huyện Bắc Yên. Công ty TNHH Bắc Sơn tiến hành chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và nhận một số diện tích chè để làm mô hình cho dân. Đặc biệt là công ty đã tạo được vườn ươm giống chè Shan tuyết để mở rộng, phát triển.
Có lẽ đó mới chỉ là những bước đi khởi đầu sau nhiều năm chưa tìm được hướng đi cho chè. Cây chè Tà Xùa cần có sự đầu tư đúng mức, bài bản, để đề án phát triển vùng chè đặc sản được triển khai thực tế, không còn là đề án trên giấy./.