Cây chè đắng làm đắng lòng người Cao Bằng
(VOV) -Tin đồn uống chè đắng có hại sức khỏe, người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm này, còn nông dân ồ ạt chặt bỏ cây chè.
Cây chè đắng một thời từng là cây chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Cao Bằng. Thế nhưng vì hội chứng tin đồn uống chè đắng làm ảnh hưởng sức khỏe đã khiến sản phẩm không tiêu thụ được, người dân phải chặt bỏ hàng nghìn hécta chè để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Chè đắng từng là niềm tự hào của đất Cao Bằng và được nhiều người tiêu dùng cả nước ưa thích. Trước đây, các doanh nghiệp của Cao Bằng sản xuất 40.000 hộp/năm vẫn không đáp ứng nổi yêu cầu của người tiêu dùng. Năm 2005, tỉnh Cao Bằng chủ trương triển khai dự án trồng chè 1000 ha tại 11 huyện và thị xã trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong khi dự án trồng chè nguyên liệu mới bắt đầu thực hiện thì các đại lý nhập hàng từ Trung Quốc có giá bán chỉ bằng một nửa so với chè đắng của nước ta đeo mác thương hiệu “Chè đắng Cao Bằng”.
Không những vậy, tin đồn uống chè đắng có hại sức khỏe, đặc biệt là đối với nam giới nên người tiêu dùng quay lưng lại sản phẩm này. Điều đáng buồn là vùng nguyên liệu tan dần từng mảng.
Ông Nguyễn Sinh Cung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết: “Các thông tin không chính thức làm hạn chế sức khỏe nam giới, thông tin này không dẹp được, dẫn đến thị trường thu hẹp. Những năm đầu thu nhập tốt, nhưng đến 2007-2008 có thông tin thất thiệt khiến sức tiêu thụ kém, thị trường tự nhiên bị thu hẹp, đặc biệt là hạn chế về thu nhập cho bà con. Trước đây, chè Đắng là tự hào của người Cao Bằng, cũng đã được đưa vào chương trình cụ thể, nhưng bây giờ cây chè không đưa vào chương trình nào cả , 4-5 năm là bà con tự sản, tự tiêu là chính”.
Hiện nay, vùng nguyên liệu chè đắng đang thu hẹp dần chỉ còn rải rác ở huyện Nguyên Bình, Hòa An. Do giá bán chè quá rẻ nên đa số người dân bỏ mặc thành rừng, cây chè phát triển không chăm bẵm. Các hộ ồ ạt phá bỏ cây chè chuyển đổi sang trồng sắn.
Bà Hoàng Thị Hòa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Nguyên Bình cho biết: “Đến nay, chưa thống kê được, nhưng chỉ còn vài hécta. Khi diện tích này có sản phẩm nhưng các công ty cũng không vào thu mua. Công ty có làm hợp đồng, hứa hẹn với người dân ở xã, chấp nhận trồng với diện tích lớn. Từ năm 2003, họ đầu tư vào nhưng không thu nữa, bà con tự chặt phá trồng cây khác”.
Cây chè đắng Cao Bằng “vang bóng một thời” nhưng nay dần bị mai một. Càng đắng lòng hơn, khi một cây mang lại kinh tế cao giúp xóa đói giảm nghèo lại không được bảo vệ và nhân rộng. Đây là một bài học quý báu cho cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng trong việc bảo vệ và phát triển cây kinh tế cho bà con vùng cao./.