Chăn nuôi bò ở Tây Nguyên khi nào cân bằng được lợi ích
VOV.VN - Đa số các dự án chăn nuôi bò ở Tây Nguyên chỉ muốn đất sạch sẽ khiến tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân càng thêm gay gắt.
Như VOV.VN đã đề cập, 50.000 tỷ đồng đang chờ được đầu tư để tạo bước đột phá cho ngành chăn nuôi bò và công nghiệp sữa ở khu vực Tây Nguyên. Thế nhưng các dự án đang gặp không ít khó khăn, bởi việc chuyển đổi hàng chục nghìn héc ta đất rừng, đất người dân đang sản xuất thành đất nuôi bò của doanh nghiệp, là điều không dễ dàng.
Việc đầu tư nhiều diện tích đất rừng cho các dự án chăn nuôi không quan tâm đến quyền lợi củae người dân sẽ khó gặp thuận lơi. |
Giữa trưa nắng chang chang, vừa hạ xuống một xe rơm đầy mua từ tỉnh Sóc Trăng, ông Bùi Đăng Xương, thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, lại trần lưng kéo ống tưới nước cho vườn cỏ voi cao sản vừa cắt.
Tưới xong vườn cỏ, ông dắt chiếc xe máy chuyên để chở sữa cùng với 2 chiếc máy vắt sữa trị giá gần 40 triệu đồng, đưa rơm vào máng cho bò ăn, rồi mới vào nhà nghỉ ngơi, chuẩn bị cho bữa trưa của mình. Đây là trình tự công việc thường ngày của ông Xương cũng như đa số nông dân ở thôn Cầu Sắt, khi chuyển từ trồng rau, hoa, củ quả truyền thống sang chăn nuôi bò sữa.
Theo ông Xương, tuy vất vả hơn nghề trồng rau trước đây nhưng bù lại, nuôi bò sữa, có công ty bao tiêu thì kinh tế ổn định hơn.
“Bình quân mỗi chu kỳ sữa của một con bò đạt khoảng 6 tấn. Bình quân một con mỗi ngày phải cho từ 20 - 22 lít sữa. Gia đình hiện nay đang khai thác 7 con, mỗi ngày thu được từ 140- 150 kg sữa nên nhận thấy nuôi bò sữa có thu nhập rất ổn định”, ông Xương cho biết.
Mối lo từ những dự án chăn nuôi nghìn tỷ ở Tây Nguyên
“Hiện nay có 3 công ty đang thu mua sữa trên địa bàn gồm Đà Lạt Milk Vinamilk và Dutch Lady (tức là cô gái Hà Lan). Nói chung là các công ty đều thu mua hết sữa cho người dân kể cả người dân trong hợp tác xã và người dân ở ngoài mà có hợp đồng. Về chất lượng thì các công ty yêu cầu khắt khe hơn, nhưng chúng tôi thấy đó là đúng, tốt, vì như vậy để đảm bảo nông dân phải sản xuất theo đúng quy trình sạch. Giá sữa thì hiện nay đang áp dụng giá sàn 12.500 đồng/lít, với giá này người dân thấy có lãi. Để phát triển bền vững, các công ty phải luôn thu mua hết sữa cho nông dân, cung cấp nguồn thức ăn đảm bảo và tăng cường tập huấn kỹ thuật cho nông dân”, ông Nhật cho biết.
Theo bà Lê Thị Bé, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện huyện Đơn Dương, tổng đàn bò sữa trong huyện hiện khoảng 10.000 con, hơn 70% số này là bò của các nông hộ, phần còn lại được nuôi trong trang trại tập trung của Dalat Milk. Bà Lê Thị Bé cho biết, tiềm năng phát triển bò sữa trong dân ở Đơn Dương còn rất lớn, và kế hoạch phát triển của huyện chỉ phụ thuộc vào năng lực thu mua sữa tươi của các doanh nghiệp.
“Tiềm năng chăng nuôi đang có, nhưng khả năng phát triển qua từng năm thì huyện phải căn cứ vào khả năng tiêu thụ sữa của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Người chăn nuôi muốn phát triển bò sữa vẫn phải dựa trên hợp đồng thu mua của doanh nghiệp. Nếu việc tiêu thụ thuận lợi, viêc phát triển đàn bò sữa có thể sẽ tăng lên 22.000 con vào năm 2020”, bà Bé nhận định.
Có kinh nghiệm 30 năm phát triển chăn nuôi bò sữa, cùng với khí hậu mát mẻ-thuận lợi cho việc nâng cao năng suất, chất lượng…từ năm 2008, Lâm Đồng đã được Chính phủ xác định là 1 trong 2 vùng bò sữa trọng điểm của cả nước.
Thế nhưng đến nay, tổng đàn toàn tỉnh mới trên 15.000 con, sản lượng khoảng 120 tấn sữa tươi/ngày, hơn 2/3 số này là do các nông hộ sản xuất. Thực tế tại Đơn Dương và các vùng bò sữa khác, như Lâm Hà, Đức Trọng… cho thấy, tiềm năng, lợi thế của tỉnh đang bị kìm hãm bởi đầu ra quá hạn hẹp.
Chính vì vậy, trong khi các nhà đầu tư xếp hàng dài xin cấp đất mở những dự án chăn nuôi ngàn tỷ, tỉnh dành nhiều ưu đãi cho những doanh nghiệp có thực lực và đặt trọng tâm vào khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho nông dân phát triển các trại bò sữa. Những công ty này sẽ là hạt nhân cho sự đột phá mới.
Ông Vũ Văn Tư, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và du lịch Lâm Đồng cho biết, hiện nay Lâm Đồng đang tập trung cho những dự án của các nhà đầu tư lớn như là Vinamilk, TH True Milk.
Đặc biệt, phương hướng của tỉnh về ngành bò sữa sẽ không chỉ nuôi bò lấy sữa, mà còn sản xuất những sản phẩm sau sữa, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, phục vụ du khách để phát triển du lịch. Quan trọng hơn, các dự án này sẽ liên kết với nông dân để nông dân thấy được lợi ích và họ chuyển từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ và nuôi bò.
Chuyển phần sản xuất trang trại cho nông dân, còn doanh nghiệp tìm thành công trong những phân khúc khác, đó cũng là hướng kinh doanh của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam. Hiện công ty này đã xây dựng được hơn 3.000 trang trại chăn nuôi hợp đồng trong toàn quốc, trong đó có khoảng 200 trang trại ở Tây Nguyên.
Ép rừng, ép dân, sai lầm nối tiếp sai lầm
Ông Thanh Phụng, Chủ trang trại Nga, ở xã Hoà Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, cho biết, ông nuôi 28.000 con gà đẻ theo hợp đồng với CP Việt Nam. Hiện tại, với năng suất trứng khoảng 22.000 trứng mỗi ngày, ông thu về lợi nhuận gần 100 triệu đồng/tháng.
“Làm gia công cho công ty CP các hộ chăn nuôi chỉ lo phần lợi nhuận, còn phần thị trường đầu ra do công ty lo trọn gói. Hiện nay, giá trứng là cố định, giá cám công ty cũng cố định nên nếu năng suất trứng đạt nhiều người chăn nuôi có điều kiện để tăng lợi nhuận”, ông Phụng nêu rõ.
Mô hình chăn nuôi theo hợp đồng, không cần đầu tư đất đai, chuồng trại theo mo hình của của Công ty CP Việt Nam cho thấy, chỉ cần đảm bảo có đầu ra và biết tổ chức, các dự án chăn nuôi hoàn toàn có thể tự tìm thấy những địa bàn rộng lớn ở Tây Nguyên.
Vùng đất màu mỡ bậc nhất cả nước này đang chật vật với bài toán nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nhất là với các loại cây trồng như ngô, sắn, mía,…chỉ đạt giá trị sản xuất bình quân khoảng 40 triệu đồng/ha/năm trong điều kiện thuận lợi về thị trường. Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cho hiệu quả hơn là vấn đề đã nêu ra từ nhiều năm nay, nhưng tiến độ rất chậm chạp. Các dự án nuôi bò, nếu đúng là có triển vọng như các nhà đầu tư vẫn thuyết minh, thì có thể sẽ là lối đi rất sáng cho vấn đề này.
Thế nhưng, với tình trạng đa số các dự án chỉ muốn đất sạch, đất rừng, tách rời nông dân, có thể khiến cho sự tranh chấp giữa đất rừng với người dân tại các dự án thêm gay gắt, làm tăng nhanh diện tích đất sử dụng kém hiệu quả. Lợi nhuận chưa thấy đâu, chỉ thấy hiện hữu những mối lo lớn về xã hội và môi trường. Nghịch lý của vùng đất Tây Nguyên màu mỡ có thể vẫn còn đó, chưa biết đến bao giờ tìm ra lối đi chung thực sự hiệu quả, hài hòa lợi ích của tất cả các bên./.