Chất lượng công trình giao thông: Giám sát là quan trọng
VOV.VN - Việc giám sát phải được thực hiện nghiêm túc trong suốt quá trình tổ chức đấu thầu cũng như thi công và khai thác.
Thống kê trong thời gian gần đây cho thấy, nhiều công trình giao thông trọng điểm trên cả nước khi mới đưa vào sử dụng đã có hiện tượng hư hỏng, xuống cấp. Đại lộ Thăng Long, Cao tốc TP HCM - Trung Lương, Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, mặt cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Thăng Long, Đường vành đai 3 trên cao, Quốc lộ 1 đoạn Hà Nam - Thanh Hóa, Quốc lộ 5…. đều xuất hiện những đoạn lún cục bộ, vệt hằn bánh xe, nứt, bong tróc bê tông thảm mặt đường.
Tình trạng xuống cấp nhanh của công trình giao thông đã gây nên nhiều phản ứng của dư luận xã hội, nhiều dự án giao thông trở nên tốn kém, lãng phí thời gian sửa chữa khắc phục. Nguy hiểm hơn, những hư hỏng trên các tuyến đường sẽ tiềm tàng ẩn họa tai nạn giao thông nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến phương tiện và tính mạng người tham gia giao thông.
Nhiều nghi vấn được người quan tâm đặt ra như thiết kế sai, có hay không việc nhà thầu giảm giá để trúng thầu rồi thi công kém chất lượng, bớt xén, làm sai lệch cốt liệu thi công hay chỉ là do xe quá tải nhanh chóng làm hư hại mặt đường…
Mặt đường "oằn mình" dưới sức nặng của xe quá tải. |
Theo đánh giá của ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình (Bộ GTVT), hiện tượng hằn lún vệt bánh xe không chỉ xảy ra trên phần đường giao thông mà còn hằn lún cả trên mặt cầu, nơi có kết cấu bê tông rất cứng ở dưới, trên chỉ thảm bê tông nhựa để chống nước thấm xuống mặt cầu. Hiện tượng lún này ảnh hưởng đến an toàn giao thông, có thể gây ra tai nạn.
“Riêng việc hằn lún vệt bánh xe là vấn đề lớn nằm trong chất lượng công trình giao thông. Vấn đề này bị ảnh hưởng của rất nhiều nhân tố, từ quá trình thiết kế đến quá trình thi công, và thậm chí có những nhân tố tác động rất lớn trong quá trình khai thác như tải trọng xe…”, ông Phạm Tuấn Anh phân tích.
Ông Phạm Tuấn Anh cũng chỉ rõ, những tồn tại ở một vài công trình sau khi đưa vào sử dụng cần phải khắc phục ngay. Đơn cử như trên tuyến Đại lộ Thăng Long có một số vị trí bị úng ngập là do các công trình xây dựng xung quanh tuyến đường làm ngăn cản, mất hệ thống thoát nước. Hay như tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng có hiện tượng lún là do tuyến đường đi qua khu vực có địa chất yếu cần thời gian lún. Bên cạnh đó, do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng nên việc xử lý nền yếu đôi khi chưa thực hiện được theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đại diện Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhận định: Sau khi xảy ra nhiều hiện tượng xuống cấp, lún nứt mặt đường, Bộ GTVT đã tổ chức hội thảo mang tính kỹ thuật cao với sự tham dự của những đơn vị thành viên có kinh nghiệm trong thiết kế, thi công, khai thác, từ đó phân tích và đưa ra các nguyên nhân chính:
Lượng xe chở quá tải lưu thông trên các tuyến đường trong những năm vừa qua rất lớn, có xe chở vượt gấp 2 lần so với tải trọng thiết kế. Đây là nguyên nhân cơ bản trực tiếp nhất dẫn đến phá hoại mặt đường và hiện tượng lún vệt bánh xe.
Nguyên nhân thứ 2 được xác định là do vật liệu xây dựng (cốt liệu – PV), Việt Nam chưa sản xuất được nhựa đường, hiện đang phải nhập khẩu 100% từ nhiều nguồn khác nhau nên chưa kiểm soát được chất lượng một cách toàn diện. Ngoài ra phải xem xét đến chất lượng mỏ đất, đá cũng là những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
“Bộ GTVT có đội tư vấn giám sát chịu trách nhiệm khi cốt liệu đưa ra để trải mặt đường thì việc thí nghiệm phải đảm bảo. Khi khoan một mẫu lên, đưa phòng thí nghiệm phân tích cốt liệu có đảm bảo yêu cầu tỷ lệ kỹ thuật thực tế hay không. Trên cơ sở đó, có thể phát hiện thiếu hụt cốt liệu. Vừa qua, Bộ cũng tiến hành việc này, nhưng chưa phát hiện ra vấn đề gì lớn, chủ yếu vẫn là liên quan đến tải trọng, chất lượng nhựa cũng như quy trình thực hiện”, Thứ trưởng Trường cho biết.
Ngoài những yếu tố khách quan, Thứ trưởng Trường cũng cho rằng, trong quá trình thi công, yếu tố chủ quan chỉ rơi vào những tuyến đường mà khâu giám sát thi công có vấn đề.
Giải pháp cho vấn đề nâng cao chất lượng công trình giao thông đã và đang được Bộ GTVT xem xét, chỉ đạo. Tuy nhiên để đạt được sự đồng bộ trong các khâu, các dự án cũng là điều không dễ, nhất là khi nhiều dự án giao thông trọng điểm hiện nay lại đang bị sức ép về tiến độ thi công, việc hạn chế xe quá tải chưa được giải quyết triệt để.
Ông Lê Ngọc Hoa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (Cienco 4) thừa nhận, khó có thể kiểm soát chất lượng công trình 100%. Tuy nhiên, để kiểm soát cốt liệu, Cienco 4 đã làm việc, ký hợp đồng mua nhựa đường trực tiếp với các nhà cung cấp nhựa đường như Petrolimex, Shell… Cienco 4 sẽ thực hiện việc niêm phong, kẹp chì và chỉ Tổng Công ty mới được phép sử dụng nguồn vật liệu này.
Ngoài ra, Cienco 4 đã trực tiếp đến các mỏ đá đạt chất lượng về đá gốc và hợp tác đầu tư để cải thiện dây chuyền khai thác, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Vì vậy, các mỏ đá cũng mạnh dạn đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Bất kỳ cây số nào trước khi trải thảm đều phải thí nghiệm để đảm bảo chất lượng khi cho ra thảm. Đây là những yếu tố nếu thực hiện được sẽ triệt tiêu vấn đề lún vệt bánh xe hiện nay. Còn vấn đề thiết kế, khí hậu thì không hẳn là vấn đề quyết định vì khi thiết kế đã tính đến khả năng tốt nhất và không bao giờ trải thảm vào ngày mưa”, ông Hoa nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, Bộ GTVT đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng vật liệu nhựa đường sử dụng trong xây dựng công trình giao thông.
Bên cạnh việc xem xét kĩ cốt liệu thi công, Bộ GTVT cũng đã phân lại các tổ tư vấn giám sát trong nước, kể cả tư vấn thiết kế, để xem xét, đánh giá. Nhà thầu đáp ứng được yêu cầu công trình thì mới được tham gia vào đấu thầu. “Nếu giám sát chặt chẽ, chắc chắn việc này không thể xảy ra”, Thứ trưởng Trường chỉ rõ.
Cục quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình GTVT cũng chỉ đạo xem xét, nếu có hiện tượng giá thầu thấp một cách bất thường sẽ rà soát các đơn giá dự toán và yêu cầu nhà thầu phải giải thích lý do. Nếu nhà thầu không giải thích được minh bạch sẽ bị loại trừ để ngăn chặn hiện tượng bỏ thầu giá thấp để bằng mọi cách trúng thầu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Thời gian gần đây, Cục đường bộ Việt Nam cũng đã phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt tổ chức kiểm tra xe quá khổ, quá tải trên nhiều tuyến quốc lộ nhằm giảm thiểu phương tiện này lưu thông gây hư hỏng đường bộ. Tuy nhiên, việc làm này cũng còn nhiều bất cập và chưa thể triển khai rộng khắp trên toàn quốc, nguy cơ hỏng đường do khai thác tải trọng vẫn còn hiện hữu./.