Chênh lệch số liệu thương mại VN - TQ: Buôn lậu, kinh tế ngầm?
VOV.VN - Sự chênh lệch số liệu thương mại Việt Nam - Trung Quốc chủ yếu do hoạt động nhập khẩu lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, buôn lậu, biên mậu...
Trong nhiều năm trở lại đây, số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn có sự chênh lệch. Con số thống kê về xuất khẩu cũng như nhập khẩu của Việt Nam đều thấp hơn rất nhiều so với thống kê của Trung Quốc. Song chưa năm nào, độ chênh về nhập khẩu lại lên tới 20 tỷ USD như năm 2014. Vì sao lại có sự chênh lệch này? Là do sai số trong thống kê hay có nguyên nhân nào khác?
Theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam, trong năm 2014, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 43,9 tỷ USD, song phía Trung Quốc lại thống kê có 63,8 tỷ USD xuất khẩu sang Việt Nam. Trong đó, chênh lệch lớn nhất là nhóm hàng có liên quan đến tiêu dùng và sản xuất - gia công như dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị… khoảng 12,5 tỷ USD, chiếm 60%. Chênh lệch về xuất – nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc đã xuất hiện từ năm 2002 với khoảng 5 tỷ USD, nhưng đến nay đã lên tới xấp xỉ 20 tỷ USD.
Vận chuyền hàng hóa qua biên giới chưa được kiểm soát chặt chẽ. (Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, nếu phía Trung Quốc kiểm soát tốt hàng từ bên kia sang, nhưng với biên giới của nước ta dài và khó kiểm soát mà chúng ta không ghi nhận được những con số đó thì phía Trung Quốc sẽ ghi xuất khẩu cao hơn chúng ta nhập khẩu.
Về gian lận thương mại, cũng có một số doanh nghiệp nhập khẩu một số mặt hàng chịu thuế xuất cao, doanh nghiệp thông đồng với chủ hàng ghi giá trị thấp để trốn thuế nhập khẩu. Lý do thứ 3, liên quan tới việc áp dụng trị giá hải quan, có thể cùng 1 lô hàng nhưng hải quan 2 nước lại áp dụng trị giá cao thấp khác nhau cũng sẽ gây ra chênh lệch số liệu.
Còn theo các chuyên gia kinh tế, sự chênh lệch này chủ yếu là do hoạt động nhập khẩu lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, buôn lậu, biên mậu mà các cơ quan chức năng của Việt Nam hiện chưa quản lý chặt chẽ. Đơn cử, một khu vực có số lượng hàng hóa tập trung, lưu thông lớn như thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, nhưng 9 tháng đầu năm 2014 chỉ thu được 1,1 tỷ đồng tiền thuế…
Trong khi đó, chỉ với 1 xe hàng lậu bị bắt hay việc mỗi ngày có cả trăm chuyến hàng được gùi, thồ qua biên giới thì giá trị tiền hàng đã lên đến nhiều tỷ đồng. Có thể thấy, ngoài chuyện thất thoát thuế lớn, thì việc kiểm soát hàng lậu còn nhiều hạn chế đã khiến cơ quan thống kê gặp khó trong việc đưa ra các con số chuẩn xác.
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại cho biết, vận chuyển hàng hóa qua đường tiểu ngạch, con đường gùi thồ rất lớn. Thuốc lá, hàng tiêu dùng Trung Quốc cũng như các nước, hải quan kiểm soát không xuể. Buôn bán không có hóa đơn chứng từ nên cũng khó kiểm soát? Cho nên, số cộng của nhà nước ta thấp hơn số của Trung Quốc là đương nhiên.
Hiện, Việt Nam có 62 cửa khẩu biên giới, trong đó, 29 cửa khẩu với Trung Quốc tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc. Ngoài ra, còn có trên 40 cửa khẩu phụ, trên 160 đường mòn, lối mở và 30% là giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do đó, việc kiểm soát thương mại xuất nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu chính-phụ này là một thách thức lớn cho cơ quan quản lý.
Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng buôn lậu kéo dài trong nhiều năm qua, tạo điều kiện gia tăng thói quen tham nhũng vặt, trong khi, việc kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam lại quá lỏng lẻo. Vì vậy, ngân sách thất thu thuế, sản xuất trong nước bị ảnh hưởng, doanh nghiệp chân chính không thể cạnh tranh nổi với hàng lậu.
Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng: Cần phải nhanh chóng điều chỉnh quy chế về xuất nhập tiểu ngạch và biên mậu, quản lý một cách chặt chẽ hơn. Nếu không là chúng ta để mở cửa cho thị trường của chúng ta. Người dân của chúng ta mua hàng Trung Quốc tức là trả lương cho công nhân Trung Quốc, không trả lương để nuôi người Việt Nam và các hàng Trung Quốc thì chèn ép các hàng Việt Nam. Đấy là những điều mà chúng ta cần phải hết sức ngăn chặn và phải chỉnh sửa sớm.)
Về nguyên tắc thì cả xuất, nhập khẩu của Trung Quốc và Việt Nam đều đã bao gồm cả xuất nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch. Cơ quan thống kê của Việt Nam cũng như Trung Quốc đều thu thập số liệu chính thức từ cơ quan hải quan.
Tuy nhiên, có một thực tế là gần như chưa bao giờ các cơ quan chịu trách nhiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của nước ta và các đối tác có sự rà soát song phương để đưa đến số liệu chính xác về cán cân thương mại. Giải pháp cấp bách mà Tổng cục thống kê đưa ra là các cơ quan quản lý xuất nhập khẩu của Việt Nam - Trung Quốc phải ngồi lại với nhau để tiến hành rà soát song phương, thống nhất cách tính, chặn được buôn lậu, gian lận thương mại và phải xử lý nghiêm gian lận thương mại.
Bà Lê Thị Minh Thủy - Vụ trưởng Vụ thống kê Thương mại (Tổng cục Thống kê) cho rằng: Việc rà soát phải là sự phối hợp giữa 2 bên, cần được thực hiện tốt điều này để có thể lý giải sự chênh lệch có liên quan bao nhiêu % đến số liệu thống kê của nước ta, bao nhiêu % không liên quan đến số liệu. Chỉ có câu trả lời thông qua hoạt động rà soát chi tiết.
Trong năm nay, Việt Nam - Trung Quốc đã cam kết nâng mức kim ngạch buôn bán hai chiều lên 60 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ được bao nhiêu trong số 60 tỉ USD đó? Hay áp lực nhập siêu với Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra như hơn 10 năm qua?
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo: Đã đến lúc, Việt Nam cần nhìn nhận nghiêm túc lại mức độ ảnh hưởng của việc lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc để đề ra các biện pháp giảm nhập siêu, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng buôn lậu từ thị trường này một cách hiệu quả./.