Chênh lệch trong nước - thế giới sẽ giảm?
(VOV) - Giới kinh doanh vàng thu hẹp biên độ mua vào - bán ra xuống còn 60.000 đồng/lượng nhằm kích thích nhu cầu đầu tư.
Thu hẹp giá chênh vàng nội – ngoại
Tuột khỏi mức 44 triệu đồng/lượng vào cuối tuần trước, vàng trong nước sang tuần này đã có bước khởi sắc mới khi vượt qua và giữ ổn định ở mức trên 44 triệu đồng/lượng.
Ở phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng trong nước tiếp đà sụt giảm khi mở cửa với mức giá 44,92 triệu đồng/lượng. Không dừng lại ở đó, vàng trong nước còn tiếp tục giảm trong suốt cả ngày đầu tuần (11/3) với mức giá 44,88 triệu đồng/lượng. Đây được coi là mức giá thấp nhất trong tuần.
Những ngày sau đó, vàng trong nước đã có dấu hiệu tăng giá. Mức tăng nhanh được ghi nhận trong ngày 12/3 với mức 150.000 đồng/lượng - vàng trong nước bứt phá từ mức 43,90 triệu đồng/lượng lên mức 44,05 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, mức giá này chưa dừng lại khi giá vàng trong nước còn tăng lên 44,12 triệu đồng/lượng vào ngày 13/3. Đây mới là mức giá cao nhất vàng trong nước đạt được trong tuần qua.
Đến sáng nay (16/3), vàng trong nước vẫn duy trì mức giá 44,05 triệu đồng/lượng, đây đã là ngày thứ ba vàng chững giá trên ngưỡng 44 triệu đồng/lượng trong bối cảnh thiếu vắng chất xúc tác cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Lực mua vàng tiếp tục trầm lắng, giới đầu tư đang ngóng chờ những động thái cụ thể tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên quan tới vàng.
Biều đồ biến động giá vàng tuần từ 11 - 16/3. |
Với mức giá này, vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới khoảng 3,9 triệu đồng/lượng. Biên độ mua vào - bán ra được doanh nghiệp vàng thu hẹp từ mức 150.000 đồng xuống còn 60.000 đồng. Đây được xem là biện pháp kỹ thuật của giới kinh doanh nhằm kích thích nhu cầu đầu tư của người dân trong bối cảnh giao dịch trên thị trường ảm đảm.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước, những biến động trên thị trường vàng tuần qua bị tác động bởi nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố lớn khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới biến động mạnh là do mức cung vàng trên thị trường chưa đủ đáp ứng với nhu cầu mua vàng. Hơn nữa, tại thời điểm này, khi mà NHNN đang thiết lập những giải pháp để lập lại trật tự cho thị trường vàng thì những biến động trên xảy ra cũng là hiện tượng tất yếu.
Phó thống đốc Lê Minh Hưng và Chủ tịch Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC - Lê Hùng Dũng khẳng định, giá vàng trong nước sẽ sớm sát với thế giới sau khi NHNN chính thức tham gia thị trường và SJC gia công một lượng vàng cần thiết để phục vụ mục tiêu bình ổn giá.
Thêm vào đó, theo Thông tư 06 của NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước cũng như giao dịch mua, bán với NHNN, vàng miếng giao dịch là vàng miếng hàm lượng 99,99%, loại 1 lượng do NHNN cho phép sản xuất hoặc tổ chức sản xuất trong các thời kỳ.
Trong thời gian trước mắt, loại vàng miếng giao dịch mua bán với NHNN là vàng miếng do NHNN tổ chức sản xuất (vàng miếng SJC). Tùy điều kiện thực tế, trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể xem xét mua bán các loại vàng miếng khác do NHNN đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ. Về hình thức mua, bán bao gồm hình thức mua, bán trực tiếp và mua bán qua hình thức đấu thầu theo giá hoặc đấu thầu theo khối lượng.
Với sự kiện này, các đơn hàng gia công dập đúc vàng giữa NHNN và SJC sẽ sớm triển khai trên thực tế và góp phần tăng nguồn cung cho thị trường, nhanh chóng kéo giảm khoảng chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Vàng thế giới khó vượt cản 1.600 USD/oz
Trên thị trường thế giới, kim loại quý đã tăng nhẹ, nhưng xem ra, thị trường đang thiếu vắng động lực để giá vàng phá cản 1.600 USD/oz. Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, mỗi ounce vàng giao ngay vẫn được giao dịch tại 1.592,67 USD/oz.
Cuối tuần trước, mặc dù báo cáo của Bộ lao động Mỹ cho thấy, nền kinh tế tạo ra 236.000 việc làm trong tháng 2, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ giảm từ 7,9% trong tháng 1 xuống thấp nhất 4 năm tại 7,7% trong tháng 2, nhưng giá vàng đã nhanh chóng phục hồi lại khi nhà đầu tư cho rằng tỷ lệ thất nghiệp 7,7% vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 6,5% của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Trước đó, FED cam kết thực hiện nới lỏng tiền tệ cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp Mỹ giảm còn 6,5%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ tháng 2 tăng 0,7%, lần tăng đầu tiên trong 4 tháng và tăng nhiều nhất kể từ tháng 6/2009. Trong đó, mức tăng giá xăng dầu chiếm gần 75% tổng mức tăng giá. Nếu loại trừ chi phí năng lượng và lương thực, CPI Mỹ tháng 2 chỉ còn tăng 0,2%, thấp hơn tháng 1.
Dù lạm phát Mỹ không đáng lo ngại, đồng USD vẫn giảm giá so với các tiền tệ chủ chốt, từ mức cao nhất 7 tháng. Đồng USD suy yếu và euro mạnh lên hỗ trợ cho giá vàng. Các chuyên gia cũng cho rằng, CPI Mỹ ở mức khá an toàn làm tăng hi vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) duy trì gói nới lỏng tiền tệ.
Bên cạnh đó, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã ngừng bán ra trong 2 phiên vừa qua, lượng nắm giữ đứng ở 1.236,307 tấn. Tuy nhiên trong tuần này, quỹ vẫn bán ra 3,43 tấn, tuần bán ròng thứ 11 liên tiếp.
Ngoài ra, theo số liệu từ cơ quan thống kê Hong Kong, Trung Quốc nhập khẩu từ Hong Kong 51,3 tấn vàng trong tháng 1, bao gồm vàng xu, vàng phế liệu. Con số này giảm mạnh so với 114,4 tấn trong tháng 12/2012.
Ngoài tính thời vụ, nhu cầu vàng Trung Quốc giảm trong tháng 1 còn một phần do nhà đầu tư rời bỏ vàng trong bối cảnh giá giảm mạnh. Giá vàng giảm khoảng 6,5% trong năm nay khi thị trường chứng khoán Mỹ lên cao kỷ lục, và trong bối cảnh FED có thể ngừng kích thích tiền tệ.
Trong cùng tháng, xuất khẩu vàng Trung Quốc sang Hong Kong đạt 31,72 tấn, so với 29,72 tấn trong tháng trước đó và 5,1 tấn trong tháng 1/2012. Như vậy, nhập khẩu ròng vàng Trung Quốc từ Hong Kong chỉ đạt 19,58 tấn trong tháng 1, so với 84,7 tấn trong tháng 12./.