Chỉ mua nợ xấu có khả năng thu hồi
(VOV) -Công ty quản lý tài sản nhằm xử lý nợ xấu, với vốn điều lệ 500 tỉ đồng, được thành lập ngay trong quý này...
Nghị định 53 về việc thành lập công ty quản lý tài sản (VAMC) vừa được Chính phủ ban hành có quy định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thành lập công ty quản lý tài sản nhằm xử lý nợ xấu, với vốn điều lệ là 500 tỉ đồng, ngay trong quý này nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
Mua nợ xấu theo giá thị trường
Theo nghị định, VAMC được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của NHNN. VAMC hoạt động theo ba nguyên tắc: lấy thu bù chi, không vì mục đích lợi nhuận; công khai minh bạch trong hoạt động mua, xử lý nợ xấu; hạn chế rủi ro và chi phí trong xử lý nợ xấu. Một trong các nghĩa vụ của công ty là phải bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước giao.
VAMC sẽ mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo hai phương án: một là mua bằng giá trị ghi sổ dư nợ gốc đã được khấu trừ dự phòng; hai là mua theo giá trị thị trường trên cơ sở thỏa thuận và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại. Nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Ở đây, trái phiếu được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử với mệnh giá bằng giá mua của khoản nợ xấu. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng VND có thời hạn tối đa năm năm và lãi suất bằng 0%; được sử dụng để vay tái cấp vốn của NHNN.
Tuy nhiên, VAMC chỉ mua nợ xấu khi khoản nợ đủ năm điều kiện. Thứ nhất, nợ xấu của tổ chức tín dụng, bao gồm nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng.
Thứ hai, nợ xấu có tài sản bảo đảm. Thứ ba, nợ xấu, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ. Thứ tư, khách hàng vay còn tồn tại.
Nguồn vốn của VAMC: Vốn điều lệ: 500 tỉ đồng; Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành; Các quỹ được trích lập; Các nguồn vốn huy động.
Nghị định cũng nêu rõ VAMC sẽ mua nợ xấu theo giá thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt khi các khoản nợ xấu đáp ứng bốn điều kiện: thứ nhất, hội đủ năm điều kiện đối với các khoản nợ xấu như nêu trên; thứ hai, được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ xấu; thứ ba, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại; thứ tư, khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.
Về quy định VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường, nghị định nêu rõ phải trên cơ sở thỏa thuận và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại. VAMC đánh giá lại giá trị khoản nợ xấu trên cơ sở khả năng thu hồi vốn và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Khi cần thiết, VAMC thuê tổ chức tư vấn định giá khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm.
Cần phải hướng dẫn cụ thể việc cơ cấu lại nợ xấu
Cũng theo nghị định 53, Chính phủ giao cho NHNN hướng dẫn cụ thể quy định việc cơ cấu lại nợ, hỗ trợ khách vay. Theo đó, việc cơ cấu lại nợ đảm bảo điều chỉnh kỳ hạn nợ, thời hạn nợ, áp dụng lãi suất cho vay mới, giảm hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán... Chính phủ cũng quy định trách nhiệm rất rõ ràng cho các tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho VAMC. Cụ thể, các ngân hàng xem xét cấp tín dụng đối với các khách hàng vay có nợ xấu bán cho VAMC
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, đánh giá quy định này sẽ hỗ trợ rất lớn cho các khách hàng đang có nợ xấu. Nếu món nợ này chưa được bán cho VAMC, nghĩa là nằm trong tay các ngân hàng thương mại thì các ngân hàng thương mại sẽ rất khó để xử lý. Cũng theo ông Hiếu, một doanh nghiệp có nợ xấu nếu bán được cho VAMC thì khoản nợ xấu xem như là được tán đi rồi thì doanh nghiệp sẽ vay vốn ngân hàng một cách bình thường.
Tuy nhiên, ông Hiếu khuyến cáo NHNN nên hướng dẫn chi tiết điều kiện để cơ cấu lại khoản nợ xấu. Theo đó, chỉ nên cơ cấu lại nợ xấu cho các khách hàng có khả năng phục hồi, có tiềm năng phát triển và cuối cùng là phải trả được nợ. Còn đối với những doanh nghiệp đang có nợ xấu mà khả năng phục hồi chưa rõ ràng, phương án trả nợ còn mờ nhạt mà chúng ta lại cơ cấu lại khoản nợ xấu đó, rồi tiếp tục bơm vốn cho các anh này thì rất nguy hiểm đối với nền kinh tế. Vì rất có thể đây lại là những anh có thể sẽ dẫn đến nợ xấu.
“Thực tế có nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vay không đúng mục đích. Hợp đồng vay vốn là để phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng khi vốn đến tay doanh nghiệp thì lại được đổ vào lĩnh vực kinh doanh có nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán...” - ông Hiếu nhấn mạnh. Theo thông tin từ NHNN, VAMC dự kiến sẽ xử lý được nợ xấu với khoảng 100.000 tỉ đồng, tức là gấp 200 lần vốn tự có của VAMC. Ông Hiếu nhận định rằng để giải quyết khoản nợ xấu có giá trị lớn này, nguồn vốn chính phải từ phát hành trái phiếu.
Biện pháp cơ cấu lại nợ xấu, hỗ trợ khách hàng vay
- Điều chỉnh kỳ hạn nợ, thời gian trả nợ phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của khách vay.
- Áp dụng lãi suất của khoản nợ đã mua phù hợp với khả năng trả nợ của khách vay và điều kiện thị trường.
- Giảm một phần hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán mà khách vay chưa có khả năng trả nợ.
Trong trường hợp đánh giá khách vay có khả năng phục hồi tốt thì VAMC xem xét, đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ khách hàng vay xử lý khó khăn tài chính tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh.
VAMC thực hiện bảo lãnh cho khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng trong trường hợp đánh giá khách hàng có khả năng phục hồi tốt hoặc có dự án mới có hiệu quả đảm bảo trả được nợ vay.
(Nguồn: Nghị định 53 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC)