Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,57%
VOV.VN - Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo về tình hình giá tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2018. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước, tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước; tăng 3,2% so với tháng 12 năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 9 tháng năm 2018 CPI biến động theo hướng tăng dần từ mức 2,65% trong tháng 1 lên mức 3,97% trong tháng 9/2018, đặc biệt tăng nhanh ở tháng 6 và tháng 7/2018 lần lượt là 4,67% và 4,46% so cùng kỳ năm trước, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,35% so với tháng trước. Từ tháng 8/2018 đến tháng 9/2018 tốc độ CPI bình quân đã tăng chậm lại từ 3,53% (bình quân 8 tháng) lên mức 3,57% (bình quân 9 tháng).
Các địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế khiến giá các mặt hàng dịch vụ y tế 9 tháng qua tăng 18,26% |
Theo Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê một số nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong 9 tháng qua, như: các địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế làm giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 18,26%; các địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ làm giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 7,02%.
Ngoài ra, giá các mặt hàng lương thực tăng 4,09%, giá thịt lợn tăng 5,49% và giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép tăng trở lại trong 9 tháng năm 2018 làm chỉ số giá xuất, nhập khẩu, chỉ số giá sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI trong 9 tháng năm 2018, cũng có một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI như: Giá dịch vụ y tế điều chỉnh giảm theo Thông tư số 15/2018/TT-BYT ngày 30/5/2018 của Bộ Y tế làm giá các mặt hàng dịch vụ y tế tháng Bảy giảm 7,58% (tác động làm CPI giảm 0,29%); các cấp, các ngành tích cực triển khai các biện pháp bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, không để xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 9/2018 tăng 0,14% so với tháng trước và tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 1,41% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Bình quân 9 tháng năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục gây nên.
“Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,18% - 1,61%, bình quân 9 tháng lạm phát cơ bản ở mức 1,41% thấp hơn mức kế hoạch 1,6% cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, qua diễn biến chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng năm 2018 cho thấy sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và sự chủ động của các Bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát giá cả nên việc kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 ở mức dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội giao có thể đạt được. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình quốc tế còn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường như cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng chính trị ở khu vực Trung Đông, khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ, nên có thể ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trong nước các tháng cuối năm.
“Xăng dầu là mặt hàng chiến lược trong tiêu dùng, sản xuất, xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng tới giá sản xuất tăng, kéo theo giá thành sản phẩm tăng. Thời gian qua, giá xăng dầu thế giới biến động khó lường, trong đó, giá xăng RON 92 hiện tăng tới 28,2% so với đầu năm. Do đó, các Bộ ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường giá cả, kịp thời đề xuất các giải pháp cho Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh./.