Chỉ số niềm tin kinh doanh giảm
(VOV) -Quý IV/2012, chỉ số này giảm tiếp 24 điểm so với quý trước đó.
Ngày 20/2, Công ty Dịch vụ Thông tin Tài chính WVB Việt Nam (WVB FISL) công bố kết quả cuộc khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh WVB cho Quý IV năm 2012.
Theo kết quả điều tra, Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) Quý IV năm 2012 giảm 24 điểm so với Quý III năm 2012 (107 điểm) và giảm 17 điểm so với lần thực hiện đầu tiên vào Quý III năm 2008 (100 điểm).
Tình hình kinh tế quý IV khá ảm đạm nhưng các doanh nghiệp vẫn tin rằng với những chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có những bước chuyển mình trong thời gian tới.
Kết quả điều tra 5 cấu phần xây dựng nên Chỉ số niềm tin kinh doanh Quý IV năm 2012 cho thấy, có 21,19% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng nền kinh tế chung của Việt Nam hiện nay đã tốt hơn so với 12 tháng trước, 42,37% cho rằng điều kiện kinh tế của Việt Nam vẫn giữ nguyên và 36,44% cho rằng điều kiện kinh tế có phần kém hơn so với 12 tháng trước.
Dự đoán tình hình kinh tế Việt Nam 12 tháng tiếp theo, có 48,31% doanh nghiệp tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn, 35,59% doanh nghiệp cho rằng điều kiện kinh tế của Việt Nam sẽ vẫn giữ nguyên, có 16,10% lo lắng về tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013.
Quan trọng hơn, 52,54% doanh nghiệp tham gia khảo sát tự tin rằng doanh thu của doanh nghiệp sẽ tăng, 35,59% doanh nghiệp cho rằng doanh thu của mình sẽ giữ nguyên và có 11,86% doanh nghiệp lo ngại về con số doanh thu của mình trong 12 tháng tới.
Trong khi đó, 44,07% doanh nghiệp tin rằng lợi nhuận sẽ tăng lên trong năm tới. 39,83% doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận sẽ giữ nguyên và 16,10% doanh nghiệp lo ngại về sự suy giảm lợi nhuận trong 12 tháng tới.
Nhóm khảo sát doanh nghiệp của WVB FISL cũng khảo sát về những vấn đề tác động đến niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp trong quý IV năm 2012 như: Yếu tố gây ảnh hưởng nhiều nhất đến tình hình kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp? Phần lớn câu trả lời đều cho rằng do yếu tố lạm phát, khủng hoảng tài chính toàn cầu và lãi suất cho vay của ngân hàng cao đã gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Cũng có ý kiến cho rằng do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cao (chiếm 14,8%) và 6,63% ý kiến cho rằng do sự lấn át của hàng hóa ngoại nhập so với hàng hóa nội địa.
Tuy năm 2012 là một năm có nhiều sự biến động của thị trường vàng và chứng khoán nhưng phần lớn doanh nghiệp lại cho rằng yếu tố lạm phát tăng cao và biến động của chính sách lãi suất của ngân hàng mới là yếu tố lạm phát tăng cao và biến động của chính sách lãi suất của ngân hàng lại mới là yếu tố gây ảnh hưởng nhiều nhất đến việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Hầu hết các Doanh nghiệp đềucho rằng nguồn vốn đầu tư trong năm 2013 sẽ tập trung đều vào các lĩnh vực kinh tế: bất động sản (10,97%), chứng khoán (10,32%), dệt, may mặc (10,32%), hoặc với tỷ lệ cao hơn (15,48%) là viễn thông và ngành khai khoáng, hóa chất (12,26%). Cũng theo phần lớn các doanh nghiệp thì việc Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất huy động không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước gần đây có nhiều biến động khiến hơn nửa các Doanh nghiệp được phỏng vấn đều cho rằng thời gian tới giá xăng dầu trong nước sẽ tăng so với giá xăng dầu quý 4 năm 2012. Về câu hỏi thu nhập bình quân của người Việt Nam năm 2013 so với với năm 2012, 35,59% ý kiến cho rằng thu nhập bình quân năm 2013 sẽ tăng so với năm 2012, 37,29% cho rằng mức thu nhập sẽ giữ nguyên và 27,12% cho rằng mức thu nhập sẽ giảm đi. Tuy nhiên, cuộc khảo sát chỉ số niềm tin kinh doanh Quý IV năm 2012 kết thúc với các dự đoán tin tưởng sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới./.