Chỉ số sản xuất điện tử, máy vi tính tăng mạnh nhất 8 tháng
VOV.VN -Cùng với đó, 8 tháng qua, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,9%, tồn kho tăng 1,0%.
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số sản xuất và chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp Việt Nam tháng 8 và 8 tháng qua. Theo đó, tính theo gốc so sánh bình quân năm 2010, thời điểm tháng 8 năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 28,8%, mức tăng này cao nhất kể từ đầu năm 2014.
So với tháng 7/2014, sản xuất công nghiệp tháng 8 này tăng 1,9%, còn so với cùng kỳ tháng 8/2013, hiện chỉ số sản xuất này tăng 6,7%. Như vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng 2014 so với cùng kỳ 2013 tăng 7,1%.
Chỉ số sản xuất và phân phối điện tăng cao nhất
Đóng góp vào mức tăng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp nước ta 8 tháng qua, ngành khai khoáng giảm 0,5%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,2%.
Trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, 8 tháng qua, nhóm sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có mức tăng trưởng cao nhất, tới 34,5%, còn lại các nhóm cùng có chỉ số sản xuất dương như: Sản xuất, chế biến thực phẩm; ngành dệt; đồ uống; trang phục; da và các sản phẩm có liên quan; giấy và sản phẩm từ giấy; hoá chất và sản phẩm hoá chất; thuốc, hoá dược và dược liệu; kim loại; thiết bị điện....
Tuy nhiên, nhóm sản xuất phương tiện vận tải khác và sản xuất thuốc lá cùng giảm.
Tiêu thụ tăng 8,9%, tồn kho tăng 1,0%
Đối với chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng năm 2014 so cùng kỳ 2013, tăng 8,9%. Trong đó, tiêu thụ cao nhất là nhóm hàng sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, đạt 33,9%, và có 2 ngành có chỉ số tiêu thụ giảm là thuốc lá và phương tiện vận tải.
Về chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến 1/8/2014 so tháng trước tăng 1,0%; còn chỉ số này so với cùng kỳ 8 tháng năm 2013 thì tăng 13,4%. Trong đó, chỉ số tồn kho, tính đến ngày 1/8 năm nay, nhóm sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tồn kho cao nhất, tới 54,1%, tiếp đến là các nhóm ngành sản xuất có tồn kho tăng cao như: Sản xuất trang phục; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất xe có động cơ; sản xuất phương tiện vận tải khác./.