Chính phủ chỉ đạo khởi công Dự án đường dây 500kV mạch 3 cấp điện miền Bắc
VOV.VN - Ngày 26/10/2023, Văn phòng Chính phủ có văn bản (số 440/TB-VPCP) thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện đầu tư các Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).
Văn bản nêu rõ việc sẽ tổ chức khởi công dự án đầu tiên trong tháng 10/2023 và khởi công 3 dự án còn lại trong các tháng tiếp theo; chuẩn bị sớm, sắp xếp, tổ chức thi công liên tục, khoa học, bài bản để hoàn thành trong tháng 6/2024.
Trên cơ sở các mốc tiến độ nêu trên, Bộ Công Thương lập kế hoạch cụ thể, xây dựng đường găng tiến độ triển khai các bước của Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo Thủ tướng chậm nhất ngày 30/10/2023. Trường hợp không thực hiện được cam kết hoàn thành dự án theo tiến độ tháng 6/2024, phải báo cáo Thủ tướng rõ lý do và mốc tiến độ mới hoàn thành toàn bộ dự án cũng như đánh giá tác động , rủi ro xảy ra khi hoàn thành chậm.
Kết luận nhấn mạnh: Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối (Dự án) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao năng lực truyền tải của hệ thống điện quốc gia góp phần đáp ứng yêu cầu cấp thiết bảo đảm cung ứng đủ điện cho miền Bắc, phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo quyết liệt triển khai Dự án, nhiều bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhiều công việc chuẩn bị đầu tư, thủ tục pháp lý được triển khai tốt và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các bộ, cơ quan chưa chặt chẽ nên tiến độ triển khai còn chậm, tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm thời gian hoàn thành dự án theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Để khắc phục các hạn chế, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan địa phương liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa, phối hợp chặt chẽ hơn, chủ động giải quyết nhanh nhất các thủ tục, hồ sơ, công việc liên quan đến dự án theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phấn đấu cao nhất hoàn thành dự án theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung một số nhiệm vụ sau:
Bộ Công Thương với trách nhiệm là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Dự án cần khẩn trương xây dựng kế hoạch công việc tổng thể, phân công trách nhiệm các cơ quan, có thời gian hoàn thành cụ thể, bảo đảm chặt chẽ, bài bản, nhịp nhàng. Trên cơ sở đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phối hợp giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án, kịp thời báo cáo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
Ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án đi qua: Khẩn trương rà soát, chủ động cân đối chỉ tiêu sử dụng đất năng lượng để bố trí cho Dự án, hoàn thiện thủ tục phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện theo thẩm quyền trước ngày 30/10/2023. Đồng thời, thống kê gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tưởng Chính phủ bố sung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 965/CĐ-TTg ngày 13/10/2023.
Chủ động tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ tầm quan trọng, cấp thiết của dự án đối với an ninh năng lượng quốc gia, tạo sự đồng thuận, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động gây mất an ninh trật tự địa phương. Làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm quyền lợi của người dân; tập trung giải phóng, bàn giao mặt bằng trước đối với các khu vực cần thiết phải tổ chức thi công sớm như khu vực móng, cột.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải Điện quốc gia (EVNNPT): Chủ động sắp xếp, tổ chức triển khai song song, đồng thời các công việc dự án; bố trí đầy đủ vốn triển khai dự án; chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, nhận mặt bằng đến đâu phải tập trung nhân lực, máy móc, nguyên vật liệu để tổ chức thi công ngay đến đấy, nhất là các hạng mục móng, cột.
Tổ chức khởi công dự án đầu tiên trong tháng 10/2023, khởi công 3 dự án còn lại trong các tháng tiếp theo; chuẩn bị sớm, sắp xếp, tổ chức thi công liên tục, khoa học, bài bản để hoàn thành trong tháng 6/2024. Về thời gian hoàn thành các hạng mục, dự án thành phần của Dự án, Kết luận chỉ đạo cụ thể:
Đối với Dự án đường dây 500 kV NMNĐ Nam Định I – Thanh Hóa, căn cứ quyết định chủ trương đầu tư đã được Phó Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổ chức thẩm định và hoàn thành phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án trước ngày 27/10/2023.
Tập đoàn EVN khẩn trương phê duyệt dự án đầu tư trước ngày 30 tháng 10 năm 2023; phê duyệt thiết kế kỹ thuật và bàn giao mốc giới cho các địa phương trước ngày 03/11/2023; tổ chức khởi công dự án trong tháng 10/2023.
Đối với Dự án Đường dây 500 kV NMNĐ Nam Định I – Phố Nối: Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện nội dung thẩm định bổ sung đề nghị tăng vốn đầu tư của Dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong ngày 26/10/2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 10 năm 2023, trong đó phải bảo đảm dự án đã đủ điều kiện để xem xét phê duyệt chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Dự án chậm nhất vào ngày 03 tháng 11 năm 2023.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phê duyệt dự án đầu tư theo thẩm quyền trong ngày 05 tháng 11 năm 2023; phê duyệt thiết kế kỹ thuật và bàn giao mốc giới cho các địa phương trước ngày 15 tháng 12 năm 2023, hoàn thiện các thủ tục để phấn đấu khởi công trước ngày 31 tháng 12 năm 2023.
Đối với các Dự án Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa và Dự án Đường dây 500 kV Quảng Trạch – Quýnh Lưu: UBND các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình khẩn trương có báo cáo tiếp thu giải trình về ý kiến tham gia thẩm định của các bộ, cơ quan liên quan về hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30 tháng 10 năm 2023…
Trên cơ sở các mốc tiến độ nêu trên, Bộ Công Thương lập kế hoạch cụ thể, xây dựng đường găng tiến độ triển khai các bước của Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo Thủ tướng chậm nhất ngày 30/10/2023. Trường hợp không thực hiện được cam kết hoàn thành dự án theo tiến độ tháng 6/2024, phải báo cáo Thủ tướng rõ lý do và mốc tiến độ mới hoàn thành toàn bộ dự án cũng như đánh giá tác động, rủi ro xảy ra khi hoàn thành chậm.