Chính phủ điều chỉnh tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên
VOV.VN - Báo cáo tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ cho biết, điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.
Sáng 7/2, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 21, thẩm tra tờ trình về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, năm 2025 việc hoàn thành tốt các chỉ tiêu sẽ bù lại cho các năm trước đó, 2025 cũng là năm tăng tốc về đích. Bên cạnh thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, cần đánh giá để tìm ra cơ hội mới cho tăng trưởng 8% trở lên. Chính phủ đã có tờ trình đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu theo tinh thần đổi mới, tăng trưởng 8% trở lên, CPI ở mức 4,5- 5%, vậy biện pháp thế nào để kiểm soát lạm phát? Có thể phải huy động thêm các nguồn lực thì phải tháo trần nợ công, nợ nước ngoài ở ngưỡng vượt cảnh báo khoảng 5% GDP.
![chính phủ điều chỉnh tăng trưởng gdp đạt 8 trở lên hình ảnh 1 chinh phu dieu chinh tang truong gdp dat 8 tro len hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/475513825_580824408124866_5604606274342607717_n.jpg)
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, năm 2024 nền kinh tế phục hồi nhanh trước những diễn biến bất lợi từ bên ngoài và trong nước, là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trên thế giới. GDP năm 2024 ước tăng 7,09%, thuộc nhóm một số ít nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao; quy mô GDP khoảng 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới, tăng 02 bậc so với năm 2023 ; GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD. Xuất siêu ước đạt 24,77 tỷ USD; tổng thu NSNN vượt 19,8% so với dự toán; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi NSNN thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép.
Phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng đạt nhiều thành tựu quan trọng. Phát triển nguồn nhân lực chuyển biến tích cực; kinh tế số, kinh tế xanh trở thành động lực tăng trưởng mới; chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số đạt nhiều kết quả, nổi bật là việc triển khai Đề án 06. Năng suất lao động ước tăng 5,88%, vượt mục tiêu đề ra; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp thứ 44 thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2023.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn; sức mua thị trường còn yếu, phục hồi chậm. Việc triển khai một số dự án hạ tầng trọng điểm còn vướng mắc, chưa triệt để; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, gây cản trở phát triển doanh nghiệp và đời sống người dân…
![chính phủ điều chỉnh tăng trưởng gdp đạt 8 trở lên hình ảnh 2 chinh phu dieu chinh tang truong gdp dat 8 tro len hinh anh 2](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/475782291_623272176979747_3657039915992626354_n.jpg)
Tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong các điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ yêu cầu phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, TP.HCM, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước; có cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các địa phương tăng trưởng cao, có điều tiết về Trung ương.
Giải quyết các vấn đề của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, năm 2025, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; bổ sung, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm.
Chính phủ cũng xác định tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; sớm bảo đảm các tiêu chí, điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025; có cơ chế khai thác hiệu quả các dòng vốn đầu tư gián tiếp, các quỹ đầu tư quốc tế.
Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, bảo đảm đúng, trúng mục tiêu, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
Cùng đó là phát huy hiệu quả cơ chế Tổ công tác nhằm chủ động làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án FDI lớn, công nghệ cao; triển khai hiệu quả cơ chế “luồng xanh” cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong lĩnh vực công nghệ cao để sớm triển khai, đưa dự án vào vận hành. Triển khai hiệu quả quy định về phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong chấp thuận đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp mới.