Chính phủ không bỏ quên vốn đang nằm ở DNNN
VOV.VN -Quan điểm của Chính phủ là DNNN nào càng để càng lỗ, càng mất vốn thì bán cổ phần càng nhanh càng tốt…
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ngày 25/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định, các phương án thu hút, bổ sung nguồn vốn vào NSNN luôn được Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng. Song song với việc tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ sẽ nâng cao năng lực giám sát tài chính nhằm quản lý chặt chẽ nguồn vốn ngân sách.
PV: Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nên thực hiện cổ phần hóa, điều tiết cổ tức từ các Tập đoàn, tổng công ty nhằm thu về nguồn vốn khổng lồ cho ngân sách. Trong bối cảnh đang hụt thu nặng như hiện nay, chính phủ có tính đến phương án này?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Đó cũng là một quan điểm, Đảng và nhà nước đã có chủ trương, Chính phủ đang thực hiện. Hiện nay, chúng ta đang đứng trước hai sự lựa chọn, tiềm lực phát triển kinh tế và nguồn thu trông chờ vào DN. Từ lâu rồi ngân sách không bố trí cấp vốn cho DN, trong khi một DN dù trong hay ngoài nhà nước ra làm ăn đều phải có vốn.
Nghị quyết Trung ương 3 quy định, nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không cân đối chi ngân sách mà tăng cường đầu tư cho DN, giúp DN mạnh, làm ăn tốt lên, từ đó có sản phẩm phục vụ đất nước và nền kinh tế và có thêm nguồn lực đóng góp cho nền tài chính cho quốc gia.
Hiện Chính phủ đang thực hiện chủ trương bán bớt cổ phần tại những DNNN hoạt động tại một số lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng. Nguồn vốn này bây giờ thu vào cũng được, bố trí ngân sách cấp ra cũng được, vấn đề là lựa chọn chính sách nào cho phù hợp, chứ không phải nguồn vốn đó bị Chính phủ bỏ quên.
PV: Tâm lý của nhiều DN chuẩn bị cổ phần hóa hiện nay là sợ bán giá thấp, bị lỗ và phải chịu trách nhiệm làm mất vốn nhà nước. Trong trường hợp này, Chính phủ có cơ chế xử lý như thế nào?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Chính phủ có nghị quyết rồi, tới đây sẽ hướng dẫn cụ thể. Trên thực tế một DN đang làm ăn bình thường có lãi không nhất thiết phải bán vội cổ phần nếu giá chưa thỏa đáng. Nhưng trong một số trường hợp cần thiết, giá thấp vẫn phải bán, đấy là một loại.
Một loại nữa là những DNNN đầu tư ra ngoài ngành song chủ trương chung của Chính phủ là phải rút vốn về. Theo tôi, khi tiến công có phương án thì khi lùi cũng phải có trật tự.
Quan điểm của Chính phủ là DNNN nào càng để càng lỗ, càng mất vốn thì bán cổ phần càng nhanh càng tốt, cái này có chủ trương rồi. Với những DNNN không lỗ, đầu tư lâu dài, triển vọng tốt thì không nhất thiết phải bán ngay cổ phần mà cần có lộ trình, khi thực hiện cũng cần cân nhắc lợi ích quốc gia. Hiện nay, tâm trạng DN đã bỏ vốn đầu tư, nay phải bán đi phải bán dưới giá trị thực tế thì bao giờ cũng lo ngại. Do đó, chúng ta phải xác định nếu cứ lo ngại rồi mỗi ngày lại mất thêm tiền đi thì bán cổ phần càng nhanh sẽ càng giảm bớt thiệt hại. Với những DNNN sau khi bán cổ phần bị lỗ hoặc làm thâm hụt phần vốn nhà nước sẽ phải tính toán, làm rõ nguyên nhân ra để quy trách nhiệm.
PV: Trong tình hình khó khăn hiện nay, có ý kiến cho rằng đây cũng là cơ hội thay đổi thể chế, thu hút nguồn lực xã hội. Ý kiến của Phó Thủ tướng về vấn đề này?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Giai đoạn khó khăn hiện nay đã bộc lộ những khiếm khuyết nền kinh tế động thời cũng tạo ra áp lực đổi mới mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế không phải bây giờ mới làm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sắp xếp đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN chính là một phần của tái cơ cấu. Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX chính là bước ngoặt của tái cơ cấu DN, vừa rồi Trung ương lại tiếp tục họp bàn về việc đổi mới DNNN mạnh mẽ hơn. Bên cạnh việc đổi mới, tới đây Chính phủ sẽ tăng cường công tác giám sát, khi có thêm nguồn lực thì việc minh bạch hóa sẽ giúp công tác giám sát tài chính quốc gia được thực hiện tốt hơn. Tôi cho rằng có những vấn đề nếu chỉ nhìn thoáng qua sẽ thấy không có gì mới. Nhưng nếu đi sâu vào một số khía cạnh sẽ thấy nhiều điểm mang tính đột phá.
PV: Trong trường hợp sau khi bán cổ phần bị thâm thủng vốn, bị lỗ thì có bị xử lý hay không, thưa ông?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Đương nhiên phải tính toán yêu cầu làm rõ nguyên nhân gây ra tình trạng thua lỗ. Nếu vì trách nhiệm vì cái chung không sao, vì cá nhân có gì trong đó không tốt thì phải chịu trách nhiệm, đó là trường hợp cụ thể.
PV: Gói nợ đầu tư XDCB hiện đã lên đến trên 90.000 tỷ đồng. Chính phủ đã có kế hoạch giải quyết như thế nào, thưa ông?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Chính phủ có chỉ thị hai nội dung. Một là các địa phương không yêu cầu DN ứng vốn làm trước, giảm phát sinh mới nợ mới. Thứ hai, khi phân bổ ngân sách dành tối thiểu 30% thanh toán nợ, vì thực chất anh làm trước, giờ phải lấy nguồn trả. Sau đó mới phân bổ cho các dự án đang làm. Các nơi đang làm giải quyết được một phần.
PV: Xin cảm ơn ông!