Chống buôn lậu, hàng giả: Mức xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe
VOV.VN -Tết Nguyên đán là giai đoạn cao điểm hoạt động của tội phạm buôn lậu, buôn bán tiêu thụ hàng giả, hàng nhái.
Gần dịp Tết Nguyên đán, chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng chức năng bắt giữ hàng loạt vụ vi phạm. Mới đây, Công an thành phố Hồ Chí Minh triệt phá đường dây ma túy lớn từ Bắc vào Nam, thu giữ 18,5 kg ma túy đá. Công an Hà Nội phát hiện và thu giữ hàng tấn mỳ chính Trung Quốc được đóng mác nhãn hiệu nổi tiếng, đưa vào thị trường tiêu thụ.
Bắt giữ hàng lậu (ảnh minh họa: KT) |
Trước đó, công an tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn phát hiện và thu giữ hàng tấn pháo nhập lậu. Lực lượng quản lý thị trương Lào Cai bắt hơn 3 tấn lòng lợn đang phân hủy, bốc mùi hôi thối chuẩn bị đưa vào thị trường tiêu thụ. Tại An Giang, lực lượng chức năng bắt giữ 4 vụ vận chuyển thuốc lá ngoại qua biên giới, thu giữ gần 11.000 gói thuốc lá…
Để ngăn chặn hành vi buôn lậu và gian lận thương mại, ở thời điểm này, các lực lượng chức năng tăng cường tối đa về cả lực lượng và các biện pháp để triệt phá các hành vi phạm tội. Tuy nhiên, hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại còn chồng chéo, bất cập, chậm sửa đổi bổ sung, gây khó khăn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ. Chế tài xử phạt còn nhẹ, chẳng hạn quy định mức xử phạt tối đa với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả 200 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe.
Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương, “quản lý thị trường hiệu quả còn hạn chế, số vụ kiểm tra kiểm soát nhiều nhưng số vụ xử lý thì ít. Mỗi năm quản lý thị trường kiểm tra và xử lý 100 nghìn vụ, số thu nộp ngân sách 400 tỷ đồng. Yêu cầu đặt ra là phải phát hiện bắt giữ những đường dây, ổ nhóm lớn. Chúng tôi rất cố gắng, nhưng thật sự là khó. Những vụ việc lớn, các đường dây ổ nhóm lớn thì phải phối hợp với bên công an, hải quan mới triệt phá được. Quản lý thị trường không cho phép có điều tra trinh sát đặc thù, chuyên sâu.”
Buôn lậu và gian lận thương mại không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, mà còn gây thất thu ngân sách nhà nước, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp. Số vụ phát hiện của năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2015, lực lượng chức năng cả nước phát hiện xử lý hơn 200 nghìn vụ vi phạm, khởi tố gần 1.300 vụ án hình sự, tăng hơn 10% so với năm 2014.
Dự báo thời gian tới, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã có kế hoạch cao điểm ngăn chặn, xử lý các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016 của lực lượng Quản lý thị trường, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu: “Lực lượng quản lý thị trường là chủ công cùng với lực lượng công an phải có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để lập lại tình hình. Trước hết, lực lượng quản lý thị trường phải mạnh và trong sạch, nếu bảo kê bao che thì không bao giờ thành công. Thứ hai là phải cùng các hiệp hội ngành hàng phát động phông trào trong quần chúng và ký kết hợp đồng với các hộ kinh doanh không buôn bán hàng lậu hàng cấm. Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý nghiêm đặc biệt là các đầu nậu, nhằm lập lại trật tự trong thời gian tới.”
Trên tinh thần đó, trước mắt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lực lượng quản lý thị trường cả nước cần có sự chuyển biến căn bản, quan trọng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2016 sắp tới. Trong đó, đặc biệt lưu ý lực lượng quản lý thị trường phải củng cố lực lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý nghiêm những cán bộ tiếp tay, bao che cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại./.