Chứng nhận AS9100: Cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ tham gia thị trường hàng không
VOV.VN - Việc phổ biến Chứng nhận AS9100 - Hệ thống quản lý chất lượng ngành hàng không, vũ trụ sẽ giúp các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận chuỗi sản xuất linh phụ kiện toàn cầu trong lĩnh vực này.
Chứng nhận AS9100 - Hệ thống quản lý chất lượng ngành hàng không vũ trụ trong chế tạo linh phụ kiện, đủ điều kiện tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu lĩnh vực hàng không vũ trụ cũng như các ngành chế tạo linh kiện khác. Điều này phù hợp với chủ trương đưa công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận với chuỗi cung ứng các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, đồng thời là mục tiêu của chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam hướng đến.
Đây cũng là nội dung của Hội thảo “Chứng nhận AS9100 - Hệ thống quản lý chất lượng ngành hàng không vũ trụ”, do Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (Hansiba); Công ty TNHH Tư vấn - Đầu tư - Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản; Công ty CP ONAGA Nhật Bản tổ chức ngày 24/9, tại Hà Nội.
Thực tế hiện nay, ngành công nghiệp chế tạo linh kiện hàng không vũ trụ tại Việt Nam đã và đang có những bước chuyển mình nhanh chóng, đặc biệt là có sự tham gia của các DN FDI. Tuy nhiên, để các DN Việt Nam nỗ lực gia nhập chuỗi giá trị ngành công nghiệp chế tạo hàng không vũ trụ toàn cầu, cần đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng theo Chứng nhận AS9100 vẫn là điều kiện tiên quyết.
Theo ông Takayuki Ishida, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn - Đầu tư - Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản (VI-JA CID), thị trường máy bay toàn cầu hiện nay tăng trưởng khoảng 14%/năm, nhu cầu máy bay thương mại trong 10 năm tới vào khoảng 36.000 chiếc. Đáng chú ý, thị trường hàng không của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, là cơ hội cho nhiều DN tham gia vào chuỗi sản sản xuất máy bay. Nhưng Việt Nam hiện chưa có nhà sản xuất nào tham gia vào lĩnh vực này, trong khi các hãng chế tạo máy bay lớn trên thế giới như Boeing và Airbus lại đang rất quan tâm đến lĩnh vực này tại Việt Nam.
“Ở Việt Nam hiện đã có nhiều nhà sản xuất sản phẩm liên quan đến ngành hàng không vũ trụ, nhưng chủ yếu là các DN FDI có nhà máy tại Việt Nam. Họ sản xuất các linh phụ kiện, sau đó cung cấp cho các hãng sản xuất máy bay lớn như Airbus và Boeing. Hiện nay tại Việt Nam, Công ty Onaga đang thực hiện 1 dự án tại Khu công nghiệp Nam Hà Nội có liên quan đến lĩnh vực này, hiện đã đưa hệ thống máy móc sản xuất vào lắp đặt. Tháng 8/2024, nhà máy của Onaga đã đạt Chứng nhận AS9100, đủ tiêu chuẩn cho sản xuất linh phụ kiện máy bay”, ông Takayuki Ishida dẫn chứng.
Chứng nhận AS9100 sẽ là “giấy thông hành” cho DN
Từ kinh nghiệm đầu tư vào Việt Nam và hoàn thiện Chứng nhận AS9100, ông Onaga Masaru, Chủ tịch Công ty Onaga Việt Nam chia sẻ, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng linh phụ kiện cho ngành hàng không toàn cầu, các DN cần đạt được chứng nhận AS9100 bằng sự đầu tư về thời gian và nguồn lực. DN đạt được chứng nhận AS9100 sẽ giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường kiểm soát quá trình sản xuất, điều này sẽ cho phép các DN cung cấp các sản phẩm đáng tin cậy và cải thiện được niềm tin của khách hàng.
“Sau khi đạt được Chứng nhận AS9100, việc sản xuất và cung cấp các sản phẩm linh kiện hoàn thiện giữ vai trò hết sức quan trọng, nên DN cần quá trình chuẩn bị công phu bao gồm nhiều công đoạn, từ quản trị; lựa chọn thu mua nguyên vật liệu; dây chuyền sản xuất, quản lý chất lượng và xuất khẩu sản phẩm”, ông Onaga Masaru cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hansiba, ngành công nghiệp chế tạo linh phụ kiện cho lĩnh vực hàng không, vũ trụ tại Việt Nam tuy còn mới nhưng đang có những bước chuyển mình nhanh chóng và sẽ có tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Việc đáp ứng được Chứng nhận AS9100 là điều kiện để các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng linh kiện hàng không vũ trụ của thế giới.
“Có tính chất tác động lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, ngành chế tạo hàng không vũ trụ đóng một vai trò quan trọng trong mục tiêu hiện thức hóa chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam, với trọng tâm là các ngành công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ. Chính vì vậy, việc được cấp giấy chứng nhận AS9100 sẽ là “giấy thông hành” để DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực này”, ông Nguyễn Hoàng nhấn mạnh.
Thông tin từ Hansiba cũng cho biết, Tập đoàn Boeing đã có thông điệp rõ ràng là sẽ hỗ trợ cho các DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng linh kiện, hàng hóa cho tập đoàn này. Các tổ hợp sản xuất sẽ được đặt tại Việt Nam để các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các linh kiện chất lượng cao trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, các DN Việt Nam cần hội đủ các điều kiện tiêu chuẩn quốc tế nói chung, ngành hàng không nói riêng mới có thể tham gia chuỗi cung ứng cho Boeing, trong đó Chứng nhận AS9100 là một tiêu chuẩn vô cùng cấp thiết.