Chương trình “Nuôi heo đất” giúp người dân vùng cao thoát nghèo

VOV.VN - Những ngôi nhà đại đoàn kết hay giống vật nuôi- cây trồng được trao tặng, đã giúp cho nhiều hộ khó khăn ở các buôn làng huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk có động lực làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Nguồn hỗ trợ ấy có được từ nhiều năm qua, là nhờ mô hình tiết kiệm “Nuôi heo đất”, đang lan tỏa rộng khắp ở các thôn, xã trong huyện, tạo ra nguồn lực hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ôm bó cỏ thả vào chuồng bò, anh Y Hen Niê, ở buôn Yông B, xã Ea Drơng, huyện Cư Mgar phấn khởi cho biết, đây là “đầu cơ nghiệp” giúp gia đình anh thoát nghèo vào cuối năm ngoái. Từ 7 năm trước, gia đình anh được huyện hỗ trợ 40 triệu đồng để xây nhà đại đoàn kết. Một năm sau đó, Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã tiếp tục hỗ trợ kinh phí mua một con bò sinh sản. Cứ thế 6 năm qua, gia đình anh chăm sóc gây đàn lên 5 con bò, bán bớt bê con, tận thu phân bò bón cho vườn cà phê. Vợ chồng anh cũng bảo nhau chăm lo làm ăn, nuôi dạy con cái để ổn định đời sống.

“Ngày xưa khó khăn, nghèo khổ, được sự quan tâm của Nhà nước, cung cấp giống vật nuôi như heo, bò, hỗ trợ xây dựng nhà ở. Với sự quan tâm đó thì gia đình vợ chồng con cái càng chăm chỉ làm ăn, nỗ lực vươn lên. Vợ chồng tôi cũng tích cực cải thiện thu nhập, làm thêm bên ngoài để phát triển kinh tế và đời sống tốt hơn. Tôi xin cảm ơn các cấp đã quan tâm” - anh Y Hen Niê chia sẻ.

Cũng “thoát nghèo” từ cuối năm ngoái, gia đình chị H Blip Niê ở buôn Yông đã đầu tư mua thêm 7 sào đất rẫy trồng cà phê để cải thiện thu nhập. Chị H Blip chia sẻ, có được sự thay đổi đó là nhờ được Mặt trận tổ quốc xã hỗ trợ 3 con dê sinh sản từ cuối năm 2017.

“Gia đình tôi trước đây khó khăn lắm, không có đất sản xuất nên rất nghèo. Được nhà nước hỗ trợ dê giống, tôi cũng tích cực chăm sóc cho dê sinh sản để dần dần vơi bớt khó khăn, lấy vốn tích cóp rồi vay mượn thêm để mua đất rẫy, trồng cà phê và dần dần mở rộng sản xuất để vươn lên thoát nghèo” - chị H Blip Niê nói.

Anh Y Hen Niê và chị H Blip Niê là 2 trong số hàng chục hộ nghèo ở xã Ea Drơng được nhận hỗ trợ kinh phí mua giống vật nuôi để phát triển sản xuất. Theo đó, từ năm 2017, xã đã triển khai mô hình “Nuôi heo đất” tiết kiệm làm theo lời Bác, vận động cán bộ, đảng viên và người dân thực hành tiết kiệm với mức từ 1.000 đồng mỗi tháng, đều đặn hàng năm và tổng kết vào ngày 18/11 mỗi năm với hình thức Ngày hội đập heo đất. Số tiền thu được từ ngày hội được phân bổ cho các hội đoàn thể để hỗ trợ mua cây giống, con giống cho các hộ nghèo, cận nghèo, tạo sinh kế để họ làm ăn, vươn lên.

Các hội đoàn thể có trách nhiệm giám sát, quản lý mô hình. Trong 6 năm qua xã Ea Drơng đã nuôi được gần 1.000 con heo đất, thu về nửa tỉ đồng để hỗ trợ cho hàng chục hộ nghèo, cận nghèo thực hiện mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Trong số này, có gần chục hộ đã tích cực vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Mô hình tiết kiệm nuôi heo đất cũng được lan tỏa rộng khắp trong toàn huyện Cư Mgar với sự hưởng ứng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Được nhân rộng ở các tổ chức hội, đoàn thể. Bà H Núi Niê, Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Cư Mgar cho biết, hội phụ nữ cũng phát động mô hình nuôi heo đất với mức tiết kiệm từ 1.000 đồng đến 20.000 đồng mỗi tháng, được chị em nhiệt tình hưởng ứng.

“Trong những năm qua, phát động mỗi chi hội có ít nhất 1 hình thức tiết kiệm, trong đó có hình thức “Nuôi heo đất” là nổi bật nhất. Qua hoạt động này cũng nhân rộng được rất nhiều mô hình, trong đó có khoảng 60% chị em là đồng bào dân tộc thiểu số hưởng ứng mô hình, hoạt động này” - bà H Núi Niê nói.

Với sự quan tâm hưởng ứng của cả hệ thống chính trị, mô hình tiết kiệm nuôi heo đất đã trở thành phong trào được lan tỏa rộng khắp trong toàn huyện Cư Mgar, tạo nên nguồn lực lên tới hàng tỉ đồng để triển khai hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Nhờ vậy, đến nay, tỉ lệ hộ nghèo trong toàn huyện đã giảm đáng kể, còn khoảng 4,4%, hộ cận nghèo còn khoảng 7,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 59 triệu đồng/người/năm. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Ông Y Wem Hwing, Phó chủ tịch UBND huyện Cư Mgar cho biết: “Việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Cư Mgar, huyện luôn luôn quan tâm và coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt là những hộ nghèo, gia đình chính sách và những gia đình khó khăn, theo quan điểm chỉ đạo là không để ai bị bỏ lại phía sau. Làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cho người dân”.

Cách làm đơn giản, mỗi gia đình chỉ cần tiết kiệm từ 1.000 đồng mỗi tháng nhưng những kết quả đem lại là nguồn lực đáng kể để hỗ trợ cho các chương trình an sinh xã hội thiết thực. Mô hình nuôi heo đất ở huyện Cư Mgar đã góp phần ổn định đời sống nhiều gia đình tại địa phương, nhất là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, họ càng thêm tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, chăm lo làm ăn, vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thanh niên dân tộc Kháng ở Sơn La thoát nghèo nhờ thay đổi tư duy
Thanh niên dân tộc Kháng ở Sơn La thoát nghèo nhờ thay đổi tư duy

VOV.VN - Ở xã vùng cao Mường Giôn thuộc huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, anh Lò Văn Quốc, dân tộc Kháng ở bản Mấc Líu là người tiên phong đi đầu trồng cây ăn quả trên đất dốc và chăn nuôi gia súc nhốt chuồng. Mô hình kinh tế của gia đình anh mang lại hiệu quả kinh tế, được nhiều bà con trong vùng học tập, làm theo, thoát nghèo vươn lên.

Thanh niên dân tộc Kháng ở Sơn La thoát nghèo nhờ thay đổi tư duy

Thanh niên dân tộc Kháng ở Sơn La thoát nghèo nhờ thay đổi tư duy

VOV.VN - Ở xã vùng cao Mường Giôn thuộc huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, anh Lò Văn Quốc, dân tộc Kháng ở bản Mấc Líu là người tiên phong đi đầu trồng cây ăn quả trên đất dốc và chăn nuôi gia súc nhốt chuồng. Mô hình kinh tế của gia đình anh mang lại hiệu quả kinh tế, được nhiều bà con trong vùng học tập, làm theo, thoát nghèo vươn lên.

Người dân An Giang thoát nghèo nhờ nghề bó chổi sậy
Người dân An Giang thoát nghèo nhờ nghề bó chổi sậy

VOV.VN - Trong khi nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp giảm công suất, giảm lao động… nhưng đối với làng nghề bó chổi sậy ở xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang vẫn có thu nhập ổn định, giúp hàng trăm lao động phát triển kinh tế.

Người dân An Giang thoát nghèo nhờ nghề bó chổi sậy

Người dân An Giang thoát nghèo nhờ nghề bó chổi sậy

VOV.VN - Trong khi nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp giảm công suất, giảm lao động… nhưng đối với làng nghề bó chổi sậy ở xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang vẫn có thu nhập ổn định, giúp hàng trăm lao động phát triển kinh tế.

"Bộ đội Cụ Hồ” giúp người dân vùng biên giới Sơn La thoát nghèo
"Bộ đội Cụ Hồ” giúp người dân vùng biên giới Sơn La thoát nghèo

VOV.VN - Những đổi thay trong cuộc sống, trong hành trình vượt khó vươn lên của nhiều người dân, học trò nghèo nơi vùng biên giới Sơn La từ lâu đã gắn liền với người lính quân hàm xanh, hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

"Bộ đội Cụ Hồ” giúp người dân vùng biên giới Sơn La thoát nghèo

"Bộ đội Cụ Hồ” giúp người dân vùng biên giới Sơn La thoát nghèo

VOV.VN - Những đổi thay trong cuộc sống, trong hành trình vượt khó vươn lên của nhiều người dân, học trò nghèo nơi vùng biên giới Sơn La từ lâu đã gắn liền với người lính quân hàm xanh, hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.