Chuyển đổi cây trồng đúng-nông dân thu nhập cao
VOV.VN - Mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao , góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.
Với Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là đề án 1.000), tỉnh Hậu Giang đã tạo điều kiện cho người dân thực hiện các mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác và phát triển sản xuất bền vững cho nông hộ.
Điển hình như tại huyện Phụng Hiệp, nhờ chuyển đổi cây trồng đúng hướng nên nông dân ở địa phương này đã có thu nhập tăng gấp nhiều lần so với trước đây, đưa huyện nông thôn thật sự khởi sắc.
Ông Võ Văn Phải ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp cho biết, vùng đất địa phương trước đây bị nhiễm phèn nặng, chỉ trồng được mía và 1 vụ lúa nhưng cho thu nhập không cao. Gia đình ông có đến 1 ha đất trồng mía nhưng đến lúc sắp thu hoạch, lũ tràn về ngập gốc làm giảm năng suất, chất lượng, rồi bị thương lái ép giá nên năm nào cũng thua lỗ.
Chuyển đổi trồng mãng cầu xiêm cho thu nhập cao. |
“Trồng mãng cầu xiêm đang mang lại hiệu quả cao cho người dân. Có nhiều hộ trồng mãng cầu xiêm trên 10 công đất thu 700-800 triệu đồng/năm”, ông Phải cho biết.
Không chỉ ở xã Hòa Mỹ, thời gian qua các địa phương trong huyện Phụng Hiệp đều đồng loạt chuyển đổi cây tạp, cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài mô hình trồng mãng cầu xiêm tập trung nhiều ở xã Hòa Mỹ, các xã, thị trấn khác trong huyện cũng xuất hiện nhiều mô hình canh tác mới như mô hình trồng cam xoàn, cam sành, dưa lưới, thanh long ruột đỏ, dừa xiêm dứa.. Những mô hình này đều mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Ông Đoàn Văn Vân ở ấp Mỹ Thuận 1, xã Phụng Hiệp cho biết, từ khi bỏ mía chuyển sang trồng cam xoàn đã 3 năm nay, đây là năm đầu tiên cam bắt đầu cho thu hoạch trái nhưng ước tính thu nhập cũng vài trăm triệu sau khi trừ chi phí.
“Gia đình ước định sẽ thu được khoảng 600 triệu đồng trong vụ thu hoạch này. Từ vụ sau thu nhập chắc chắn sẽ còn cao hơn lên tới 80-90% so với chi phí bỏ ra”, ông Vân cho biết.
Theo ông Nguyễn Thế Tự, Phó Trưởng phòng Nông NN&PTN huyện Phụng Hiệp, trước đây huyện có hơn 9.550 ha mía nhưng trong gần 3 năm qua, nông dân trong huyện đã chuyển hơn 2.000 ha mía ngoài đê bao thường xuyên bị ảnh hưởng lũ, năng suất không cao và hơn 200 ha vườn tạp sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, nâng diện tích cây ăn trái của huyện đạt hơn 7.600 ha.
Ông Tự cũng cho biết, huyện chuyển đổi cây trồng đúng hướng và thành công là nhờ bên cạnh việc định hướng, lựa chọn cây trồng phù hợp, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, địa phương còn tạo điều kiện cho các hộ có được nguồn vốn để chuyển đổi.
“Đối với tỉnh có sự hỗ trợ của đề án 1.000, huyện Phụng Hiệp thụ hưởng và giải ngân trong 4 hợp phần, trong đó có hợp phần chuyển đổi về cây trồng là thụ hưởng nhiều nhất và tổng cái giải ngân là 11,7 tỷ đồng đến thời điểm này. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất, còn 50% lãi suất do người dân đối ứng”, ông Tự chia sẻ.
Hiệu quả từ chủ động chuyển đổi cây trồng chống hạn
Theo lãnh đạo huyện Phụng Hiệp trong những năm tiếp theo địa phương tiếp tục phát triển, nhân rộng những loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, từng bước xây dựng vùng trái cây đặc sản, đồng thời kết nối với các doanh nghiệp chế biến để tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản ở địa phương, tiếp tục nâng cao đời sống của người dân trong huyện./.