Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ NNPT&NN: việc chuyển đổi đất lúa là chuyển sang trồng cây khác nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trước hiện tượng người nông dân bỏ ruộng hàng loạt ở nhiều địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị chuyển đổi 200.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho thu nhập cao hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPT&NN Cao Đức Phát, việc chuyển đổi đất lúa là chuyển sang trồng cây khác nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân chứ không phải là chuyển mục đích sử dụng đất.
Đếm nay, 6 tỉnh xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng hoặc trả lại ruộng với diện tích lên tới 1.000 ha. Liệu trồng ngô sẽ có năng suất cao hơn lúa không? |
Đến thời điểm này, thống kê của Bộ NNPT&NN cho hay, chỉ tính riêng 6 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và miền Trung đã có 6 tỉnh xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng hoặc trả lại ruộng với diện tích lên tới 1.000 ha. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do thời gian gần đây giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi giá đầu ra của nhiều loại nông sản xuống thấp, người nông dân thu lãi thấp
Ở đồng bằng sông Hồng, trung bình mỗi hộ được giao từ 6 sào ruộng. Nếu nông dân chỉ cấy 2 vụ lúa với giá trị sản xuất ước tính 4,5 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí mỗi hộ chỉ lãi 2,2 triệu đồng/năm nếu chỉ đơn thuần trồng lúa thì rất khó thoát nghèo. Đặc biệt, theo báo cáo của 46 tỉnh, thành phố, bình quân mỗi hộ nông dân phải chịu từ 30 đến 40 khoản đóng góp, với mức 250.000 đến 800.000 đồng/năm. Như vậy, ngoài giá cả vật tư nông nghiệp tăng, nông dân còn phải chịu quá nhiều khoản phí. Để gia tăng giá trị trên một diện tích đất, quan trọng nhất vẫn là hướng dẫn nông dân lựa chọn giống cây trồng phù hợp, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, tạo đầu ra ổn định nhằm duy trì phát triển bền vững vùng chuyển đổi.
Bà Bùi Thị Thắng, ở xã Thượng Bì, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Ở xã tôi đất ruộng ít, còn lại đất đồi núi khó trồng cây khác. Một năm chúng tôi chỉ độc canh cây lúa và trồng ít cây màu. Người dân không có thu nhập thêm chỉ nhờ vào chăn nuôi. Nếu tới đây được Nhà nước hỗ trợ hướng dẫn thay đổi cây trồng, chúng tôi mong được chuyển giao kỹ thuật làm tăng năng suất cây trồng để có thể nâng cao thu nhập. Hiện nay, thu nhập của chúng tôi gặp nhiều khó khăn”.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả phải tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa, vùng nguyên liệu để thuận tiện cho tiêu thụ sản phẩm, phát triển bền vững. Phải căn cứ vào điều kiện hạ tầng cơ sở của mỗi địa phương để xác định quy mô, đối tượng cây trồng chuyển đổi cho phù hợp, đảm bảo phát huy lợi thế và gia tăng giá trị sản xuất. Nhiều địa phương đã rục rịch chuyển đổi một phần đất trồng lúa sang trồng các cây hoa màu khác như ngô, vừng, đỗ tương..., nhằm đem lại lợi nhuận cao hơn.
Tại Nghệ An, 6 năm vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai hơn 300 mô hình chuyển đổi cơ cấu diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên mô hình được nhân rộng diện tích hàng trăm ha để nông dân áp dụng không nhiều.
Ông Nguyễn Văn Lập, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho rằng: việc chuyển đổi đất lúa để có hiệu qủa nhất thiết phải chuyển thành cây sản xuất hàng hóa. Ông nói: “Hàng năm Nghệ An tính toán phương án, nếu vụ Xuân có khoảng 4.000 - 4.500 ha/89.000 vụ lúa đặt lên bàn cân là chuẩn bị vụ gieo cấy, tính toán xem có chuyển đổi hay không?. Những diện tích này, chúng tôi thường chuyển sang trồng ngô, và trồng ngô chắc chắn tốt. Vụ Xuân, chúng tôi có khoảng 56.000-58.000 ha cấy lúa hè thu, trong đó có 2.000 ha bị ngập, sẽ dừng không cấy lúa”.
Theo ông Phạm Huy Thông, Giám đốc Trung Tâm Khuyến nông Quốc gia, mục đích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nếu thu nhập của nông dân trồng lúa là 10 triệu đồng/ha, phải chuyển thế nào để người nông dân có thu nhập cao hơn chứ không phải là chỉ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả. Bởi vậy, việc chuyển đổi đầu tiên phải xác định thị trường của sản phẩm với các đối tượng cụ thể là cây ngô, đậu tương…và các cây nhu cầu trong nước có nhưng hẹp hơn như rau, hoa, hoa quả.
Ông Phạm Huy Thông phân tích: Căn cứ vào cơ sở đất đai và điều kiện hạ tầng, không phải những nơi có cơ sở hạ tầng kém, chúng ta mới chuyển đổi. Những cây trồng mới, nông dân chưa có kinh nghiệm, chúng ta cũng làm từng bước. Cuối cùng, tiến bộ kỹ thuật, đây là cơ sở khoa học, thực tiễn để chúng ta có thể chuyển đổi được; có giống tốt, phù hợp hay không và có kỹ thuật canh tác phù hợp, làm sao để chuyển đổi giảm được chi phí, giá thành nhưng năng suất và hiệu quả cao hơn, đấy là mục tiêu chúng ta cần.
Theo chủ trương của ngành nông nghiệp, việc chuyển đổi 200.000 ha đất lúa sang trồng màu với 2 loại cây chủ lực ưu tiên phát triển là ngô và đậu tương được nhiều địa phương khuyến khích bởi mang lại hiệu quả cao và ổn định.
Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNN) cho biết, trong khi sản xuất lúa gạo đang gặp khó khăn cả về giá bán và thị trường tiêu thụ, hàng năm nước ta phải nhập khẩu từ 1,5 đến 1,6 triệu tấn ngô hạt, khoảng 2,4 triệu tấn khô dầu đậu tương, 600.000 tấn hạt đậu tương phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, với tổng giá trị khoảng 3 tỷ USD, việc lựa chọn 2 loại cây này là phù hợp. Tuy nhiên, với một nền nông nghiệp thường xuyên tái diễn kịch bản "mất mùa được giá, được mùa mất giá", khiến nông dân cứ loay hoay trong vòng luẩn quẩn "trồng - chặt", "chặt - trồng", việc chuyển đổi này không hề đơn giản. Vấn đề mà ngành nông nghiệp và hầu hết nông dân băn khoăn đó là thị trường tiêu thụ nông sản khi thực hiện chủ trương mở rộng diện tích canh tác. Trước mắt, ngành nông nghiệp đề xuất giải pháp thực hiện liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân để hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, chia sẻ rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Vũ Văn Tám cho biết: Hiện nay, những tiến bộ kỹ thuật của chúng ta không thiếu nhưng những tiến bộ kỹ thuật này đến sản xuất, doanh nghiệp vẫn đang gặp phải khó khăn. Chúng ta sẽ tháo gỡ về cơ chế chính sách để làm sao những tiến bộ kỹ thuật được nghiên cứu không phải để trong ngăn kéo, mà phải đưa cho các doanh nghiệp, chỉ có các doanh nghiệp này kết hợp với tư duy năng động, sáng tạo và nắm bắt tín hiệu thị trường tốt, những doanh nghiệp này sẽ được tự do trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như nâng cao hiệu quả bằng việc liên kết với người sản xuất.
Một trong những yêu cầu bức thiết nhất hiện nay đó là phải sớm tìm những "phương thuốc” để người nông dân không thờ ơ với “bờ xôi ruộng mật”. Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, đây là giai đoạn quan trọng để đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển nguyên liệu phục vụ chăn nuôi và đảm bảo an ninh lương thực.
Trước mắt, các địa phương cần xem vùng nào chuyển đổi hợp lý hơn trồng lúa, tiến hành chuyển đổi, đồng thời đưa ra bộ giống thích hợp cho từng vùng có sự phối hợp với doanh nghiệp trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm...tạo sự đồng thuận và đảm bảo duy trì phát triển bền vững cho người dân ở vùng chuyển đổi./.