Chuyên gia khen Bộ Giao thông phản ứng nhanh trong vụ JTC
VOV.VN-TS Phạm Chi Lan: Vụ việc này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư Việt Nam, mà hậu quả nền kinh tế và người dân phải gánh.
Liên quan đến những thông tin nghi vấn quan chức trong ngành đường sắt Việt Nam nhận hối lộ 16 tỷ đồng từ Công ty JTC của Nhật Bản, phóng viên VOV online phỏng vấn TS Phạm Chi Lan.
Không bất ngờ về vụ việc
PV: Thưa bà, bà nghĩ gì trước thông tin nghi vấn quan chức trong ngành đường sắt nước ta nhận hối lộ 16 tỷ đồng từ Công ty JTC của Nhật Bản?
TS Phạm Chi Lan khen Bộ GTVT đã vào cuộc nhanh (Trong ảnh, Bộ trưởng GT-VT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp bất thường với các đơn vị liên quan về vụ việc/Báo GTVT) |
TS Phạm Chi Lan: Khi nghe thông tin về vụ việc này, tôi rất lấy làm tiếc và buồn, nhưng không thấy lạ. Bởi vì ở Việt Nam đã từng có vụ việc tương tự như vậy rồi. Đó là vụ án liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT và Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây TP HCM, là người trực tiếp dính líu đến Vụ nhận hối lộ của công ty PCI của Nhật Bản, và năm 2011 đã nhận án tù 20 năm. Với vụ án này, lúc đầu, bản thân ông Sỹ chối cãi vì cho rằng không có bằng chứng, nhưng cuối cùng cũng phải nhận tội.
Vụ việc lần này, tôi thấy cơ quan chức năng phía Việt Nam đang có động thái vào cuộc xử lý nhanh chóng hơn. Thực tế, sau khi có thông tin từ phía Nhật, ngay lập tức trong nội bộ Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã vào cuộc và đã đình chỉ công tác cán bộ liên quan để tiếp tục phục vụ điều tra. Tuy nhiên, kết quả xử lý vụ việc này diễn biến như thế nào, chúng ta còn phải chờ theo dõi.
Do quản lý, giám sát còn kém
PV: Nếu vụ việc nhận hối lộ này được chứng minh là có thật, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường đầu tư ở Việt Nam, thưa bà?
TS Phạm Chi Lan: Vụ việc này sẽ chắc chắn có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở Việt Nam. Lâu nay, các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước vẫn thường kêu ca về vấn nạn tham nhũng. Họ coi đó là một rào cản lớn, nhất là đối với những nhà đầu tư chân chính muốn thắng thầu bằng năng lực thực sự của mình chứ không phải bằng con đường hối lộ.
Vụ việc này lại thêm một bằng chứng cho thấy, tình trạng tham nhũng vẫn chưa hề ngăn chặn được, thậm chí nó còn ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, nó đang đi vào cả những lĩnh vực trực tiếp của Chính phủ, Nhà nước điều hành. Bởi vì, vay vốn ODA từ bên ngoài, cả quá trình đó là Nhà nước đứng ra vay và giao cho đơn vị này, đơn vị khác làm chủ đầu tư.
Lơ là trước quan chức giàu bất thường
PV: Như bà nói, do công cụ quản lý của Nhà nước kém nên xảy ra cơ sự. Vậy theo bà, cần phải làm gì để khắc phục?
TS Phạm Chi Lan: Về mặt luật pháp, trước hết, tất cả các luật liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công phải được xem lại một cách rất nghiêm túc, chặt chẽ. Thứ hai, phải tăng cường bộ máy quản lý và giám sát của Nhà nước. Vì lâu nay có tình trạng buông lỏng rất rõ đối với các dự án đầu tư của Nhà nước. Đó là sau khi phê chuẩn xong, dường như buông lỏng cho các chủ đầu tư tự làm. Nhà nước vẫn có tâm lý tin nhau hoặc nể nhau quá nên phó mặc tiền của Nhà nước, là thuế của dân, trôi nổi thế nào tùy theo năng lực, đạo đức của những người làm trực tiếp, không có công cụ giám sát trực tiếp.
Thực tế, hầu như các vụ lớn đều không phải do cơ quan chức năng Việt Nam tự phát hiện ra, mà chủ yếu từ phía nước ngoài, doanh nghiệp, hoặc qua báo chí phanh phui ra.
Đặc biệt, tình trạng giàu lên một cách bất thường của một số quan chức thì thường lại bị bỏ qua, không được xem xét đến.
“Phí bôi trơn” đội giá dự án, hậu quả người dân gánh
PV: Thưa bà, có nhiều đánh giá rằng, do “phí bôi trơn”đã làm đội giá rất nhiều đối với các dự án ở Việt Nam. Quan điểm của bà như thế nào?
TS Phạm Chi Lan: Liên quan đến vụ việc này, phí bôi trơn thì phía công ty bên Nhật Bản phải chi trả. Nhưng khi đó, họ cũng tính vào tiền ODA thôi. Như thế, trong các khoản viện trợ của Việt Nam, sẽ chịu cả phí đó. Và cuối cùng, chính những người dân Việt Nam nộp thuế lại phải trả cho tiền đó, đâu phải phái công ty Nhật Bản họ chịu.
Hơn nữa, khi người ta đã có thể nhận “phí bôi trơn” từ phía công ty của Nhật Bản như vậy, thì họ sẵn sàng nhận “phí bôi trơn” từ các đơn vị khác. Nói cho cùng, hệ quả của “phí bôi trơn” là làm đội giá dự án. Mức đội giá đó cũng chỉ mang lại lợi ích vào túi một số cá nhân, còn gánh nặng trút lên đầu dân và nền kinh tế. Tức là nền kinh tế sẽ mất tính cạnh tranh, còn người dân phải nộp thuế đơn thuế kép.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!