Chuyên gia quốc tế lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018
VOV.VN - Các chuyên gia kinh tế và tổ chức nước ngoài đều lạc quan về triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Kinh tế Việt Nam sẽ “cất cánh”
Theo dự báo của một số chuyên gia và tổ chức quốc tế, trong năm 2018, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sẽ phát triển ngành sản xuất và GDP của Việt Nam sẽ cao hơn mức trung bình ở châu Á.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 tươi sáng qua lăng kính của chuyên gia và tổ chức quốc tế (Ảnh minh họa: KT) |
Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 (Doing Business 2018 report) của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam tiếp tục được tăng hạng về môi trường kinh doanh khi xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng thêm 14 bậc so với năm 2017.
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định: Nhìn chung, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ rất thuận lợi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sự phục hồi và tiến trình cải cách trong nước tiếp tục được thực hiện.
Chuyên gia WB dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2018 có thể đạt mức 6,5% cùng với sự ổn định về kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhất định và có thể vượt qua con số này bởi ngành chế tạo đang phát triển rất tốt, cùng với đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Môi trường thuận lợi này tạo cơ hội thúc đẩy và làm sâu sắc hơn các chính sách kinh tế táo bạo, giúp tăng khả năng phục hồi kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai.
Sự phục hồi kinh tế vĩ mô của Việt Nam được kỳ vọng sẽ được củng cố mạnh mẽ hơn nhờ sự điều chỉnh linh hoạt tỷ giá hối đoái, sự tích trữ nhiều hơn nữa dự trữ ngoại hối, sự cải thiện về củng cố tài chính, ông Sebastian Eckardt cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của WB, các bước đi nhằm củng cố sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian tới cần được thực hiện song song với cải cách cơ cấu, từ đó giúp nâng cao tiềm năng tăng trưởng kinh tế cũng như năng suất lao động, cải thiện môi trường pháp lý, cải thiện các yếu tố về thị trường như đất đai, nguồn vốn…
Ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam |
Tờ Asian Correspondent thì cho rằng, Việt Nam không chỉ trở thành nhà sản xuất hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, mà còn được xếp hạng thứ hai sau Ấn Độ trong danh sách các nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Theo Asian Correspondent, có nhiều yếu tố quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt so với các nước trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đó là chiến lược đa dạng hoá, kể cả đa dạng hóa sản phẩm của các doanh nghiệp và đa phương hóa thị trường xuất khẩu; dân số Việt Nam tăng nhanh với nguồn nhân lực trẻ tài năng.
“Thỏi nam châm” hút FDI
Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo đánh giá của Forbes, các doanh nghiệp FDI đầu tư lớn vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, đặc biệt là trong ngành điện tử. Lợi thế của Việt Nam là nguồn nhân lực giá rẻ, chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn…
Forbes dẫn lời chuyên gia cao cấp Dustin Daugherty của hãng tư vấn Dezan Shira & Associates tại TP HCM cho hay, bức tranh thu hút vốn FDI tại Việt Nam trong năm 2018 đầy gam màu sáng.
Bên cạnh tầm ngắm đến các doanh nghiệp có tên tuổi, Việt Nam cũng cần quan tâm đến các nhà đầu tư FDI nhỏ và vừa. Nhiều công ty đa quốc gia với quy mô cỡ trung cũng đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam, Dustin Daugherty gợi ý.
Theo chuyên gia này, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chưa đến “đỉnh”, và năm 2018 sẽ vẫn tốt, thậm chí sẽ còn tốt hơn cả năm trước đó.
Bà Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ANZ, cho biết, bộ phận nghiên cứu của ANZ đưa ra dự báo về tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam là 6,8%.
Bà Eugenia Victorino - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ANZ |
ANZ lạc quan về chỉ tiêu tăng trưởng GDP có thể cao hơn nữa nhờ tăng trưởng xuất khẩu được khôi phục và vượt qua dự báo ban đầu. Nhất là khi cấu trúc xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang chuyển dịch tích cực.
Đánh giá Việt Nam đang là thỏi nam châm hút dòng vốn FDI, AMZ cho rằng, dòng vốn này đang chảy mạnh vào Việt Nam là nhờ sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, chính sách ưu đãi, lợi ích từ FTAs...
Ngoài ra, ANZ dự báo chỉ số lạm phát năm 2018 sẽ được giữ ổn định ở mức 3,5% như năm trước đó. Lãi suất năm 2018 cũng sẽ tương đương con số của năm 2017, trong khi tỷ giá VND/USD vẫn duy trì ở mức thấp khoảng 22.900 đồng/USD nhờ được hỗ trợ bởi cán cân thương mại thặng dư, chính sách tăng dự trữ ngoại hối.
Báo cáo mới đây của hãng kiểm toán PwC cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs), trong đó phải kể đến FTA với Liên minh châu Âu (EU).
Bên cạnh đó, chỉ số đầu tư FDI mới (Greenfield FDI Performance Index) cũng đáng lạc quan, vượt qua nhiều nước trong khu vực như Thái Lan và Malaysia, PwC đánh giá.
Tuy nhiên, trong năm 2018, chuyên gia kinh tế trưởng của WB Sebastian Eckardt cũng lưu ý, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng suất lao động, tay nghề lao động, cải thiện hạ tầng, thu hút đầu tư và chú trọng đến cải cách về môi trường kinh doanh, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng…
Một số chỉ tiêu kinh tế cơ bản của Việt Nam năm 2018
Bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu, phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 8% đến 10% so với năm 2017
Kiểm soát nhập siêu dưới 3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu
Phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%
Phấn đấu đến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP./.