Chuyển nhiều doanh nghiệp của Vinashin sang SCIC và DATC
Việc điều chuyển doanh nghiệp nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Trong ngày 18/9, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã chủ trì nhiều buổi làm việc giữa Bộ với Bộ Tài chính, Vinashin và các ngân hàng trong nước nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam giai đoạn 2, đặc biệt là tái cơ cấu nợ.
Đối chiếu xong nợ trước 30/9
Trong buổi sáng 18/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải (Maritime Bank) cùng lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cùng Vinashin tìm hướng tái cơ cấu các khoản nợ từ đó mới có thể tái cơ cấu doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Tại buổi làm việc, Quyền Tổng Giám đốc Vinashin Vũ Anh Tuấn cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các tổ chức tín dụng đàm phán cơ cấu nợ đối với các khoản nợ còn lại của Công ty mẹ, 8 công ty con được giữ lại trong mô hình tái cơ cấu và 69 doanh nghiệp thuộc danh sách chuyển giao, sáp nhập, cổ phần hóa, bán, chuyển nhượng vốn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Tập đoàn còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
Tại các buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá cao sự hợp tác của các ngân hàng Oceanbank, Maritime Bank và PVFC. "Các ngân hàng đã rất sẵn sàng hỗ trợ Bộ GTVT nói chung và Vinashin nói riêng về các lĩnh vực của ngành GTVT và đặc biệt là đồng hành cùng Vinashin tái cơ cấu Tập đoàn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng đề nghị các ngân hàng làm việc sâu sát hơn nữa với Vinashin, hợp tác chặt chẽ trong việc mua bán doanh nghiệp, tài trợ các dự án có hiệu quả để chung tay giúp sức cùng Chính phủ tái cơ cấu và đưa Vinashin hồi phục theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
"Chậm nhất đến 30/9, Vinashin phải hoàn thành đối chiếu công nợ, báo cáo về Bộ GTVT" - Bộ trưởng chỉ đạo.
Xem xét chuyển giao gần 20 doanh nghiệp
Cũng nhằm giải quyết việc tái cơ cấu tổ chức doanh nghiệp cho Vinashin, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng đại diện nhiều cơ quan, đơn vị của 2 bộ đã cùng rà soát và tìm hướng giải quyết các doanh nghiệp của Vinashin trong diện chuyển giao sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).
Tại đây, đại diện Vinashin cho biết, Vinashin đã cung cấp hồ sơ, tài liệu của 30 doanh nghiệp thuộc nhóm SCIC có thể tiếp nhận và xử lý các bước tiếp theo. Tuy nhiên, lãnh đạo SCIC cho biết, TCT này mới lựa chọn được 6/30 đơn vị để có thể xem xét tiếp nhận bàn giao phần vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp này. SCIC cũng đề nghị Vinashin cung cấp tiếp và hoàn thiện hồ sơ của 6 đơn vị này.
Đối với các đơn vị thuộc diện DATC có thể "xử lý" được, đại diện Công ty này cho biết, giai đoạn 1, DATC đã tiến hành khảo sát tình hình tài chính của 12 đơn vị thuộc Tập đoàn và có đánh giá, nhận định về tình hình của các công ty, đẩy nhanh việc xử lý nợ tại 12 công ty này. Vinashin và DATC đã thống nhất để DATC triển khai nhanh việc nghiên cứu xây dựng phương án mua bán nợ của Tập đoàn, các tổ chức tín dụng và các chủ nợ khác; Xây dựng phương án nhận chuyển nhượng vốn, trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định đối với các đơn vị có khả năng tái cơ cấu lại tình hình tài chính, có tiềm năng kinh doanh và lợi thế thương mại.
"DATC đang tiếp tục tổ chức các đoàn đi khảo sát, đến nay, đã làm việc tại hơn 50/234 đơn vị thuộc diện tái cơ cấu của Vinashin", đại diện DATC cho biết.
Tuy nhiên, theo Quyền Tổng Giám Đốc Vinashin, trong lúc chuyển giao còn nhiều vướng mắc nên số lượng các đơn vị được bàn giao sang SCIC và DATC chưa được như mong muốn.
Tại buổi làm việc giữa 2 Bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cùng các cơ quan của 2 Bộ đã thống nhất về nguyên tắc hướng giải quyết các vấn đề lớn trong quá trình tái cơ cấu tập đoàn này. Cụ thể là việc phát hành trái phiếu cho Vinashin, quyết toán thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước khi thực hiện giải thể, sáp nhập doanh nghiệp...
"Các việc này cần phải được tiến hành nhanh nhất có thể nhằm đảm bảo các cam kết đối với các tổ chức tín dụng nước ngoài và phù hợp, đúng với chỉ đạo của Chính phủ", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh./.