Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ĐBSCL

Chuyện “nóng” nhưng đừng “vội”

VOV.VN- Chỉ với ý chí chủ quan mà không theo nhu cầu thị trường sẽ dẫn đến tình trạng “trúng mùa, mất giá” và có khi là “mất trắng”...

Theo Cục Trồng trọt, thời gian gần đây sản xuất lúa gạo đang gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, giá xuất khẩu liên tục bị giảm khiến nông dân trồng lúa không thu được hiệu quả như mong đợi. Trong khi đó, hàng năm cả nước phải nhập 1,5-1,6 triệu tấn ngô hạt, 2,4 triệu tấn khô dầu đậu nành và 600.000 tấn hạt đậu nành, ước khoảng 3 tỷ USD, gần bằng tổng kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm.

Chính vì vậy, để nâng cao giá trị cho nghề làm nông nghiệp cũng như thực hiện việc chuyển dịch cây trồng đạt hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có chủ trương chuyển đổi khoảng 200.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác. Trong đó ưu tiên là ngô và đỗ tương. Riêng tổng sản lượng ngô từ gần 5 triệu tấn hiện nay sẽ lên trên 8 triệu tấn/năm vào năm 2020.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư quốc gia, để chuyển đổi cây trồng hiệu quả, trước tiên phải hoàn thiện việc dồn điền đổi thửa, chọn cơ cấu cây trồng thích hợp: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là cây màu trên đất lúa phải tính toán đồng bộ. Vấn đề tôi quan tâm là nhà nước sẽ quan tâm nhiều hơn đến quy hoạch vùng, vụ trồng thích hợp. Chúng tôi cũng cảnh báo là sẽ có những vùng làm không thành công như cây đậu nành rất kén đất, đưa vào đất phèn là thất bại”.

Có thể nói, việc chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề “nóng”. Đó là sản lượng nông sản tăng nhưng giá thấp, thu nhập của nông dân giảm; vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi với số lượng lớn...

Về chủ trương, có thể nói, đây là sự dịch chuyển hợp lý, vì thị trường lúa gạo trong nước và xuất khẩu “cung” đang lớn hơn “cầu”.

Tuy nhiên, cho đến nay cây bắp trồng ở ĐBSCL diện tích còn khiêm tốn, chỉ có 3% so với cả nước. Trong đó, nơi trồng bắp nhiều nhất ĐBSCL là An Giang cũng chỉ 13.000 ha. Chính vì vậy, nếu việc chuyển đổi diễn ra quá nhanh mà không có các giải pháp kèm theo thì bài học “trúng mùa mất giá” lại diễn ra.

Trong khi đó, đến nay, những nghiên cứu dự báo về nhu cầu thị trường từng sản phẩm cây màu, chủng loại, giá cả và khả năng tiêu thụ trong nước cũng như trên thế giới rất hạn chế.

PGS-TS Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Nếu làm quy mô nhỏ vài ngàn ha thì không sao. Nếu tăng lên vài trăm ngàn ha thì đầu ra là vấn đề nghiêm trọng. Do vậy phát triển vùng nguyên liệu phải gắn với với tiêu thụ sản phẩm”.

Là tỉnh tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở ĐBSCL, ông Đoàn Ngọc Phả, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, đến nay địa phương đã chuyển đổi trên 7.000 ha ở các vùng đất núi sản xuất kém hiệu quả. Trong vài năm tới sẽ tăng lên 10.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay công tác thủy lợi, cơ giới nông nghiệp, liên kết doanh nghiệp tiêu thụ là mối quan tâm của địa phương.

Tập trung chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL đề nghị chú trọng các giải pháp giải quyết khó khăn trước mắt, nhất là biện pháp tháo gỡ tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ chi phí mua giống, tập huấn kỹ thuật sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, kịp thời thông tin thị trường và các hoạt động tín dụng ngắn hạn cho mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đề nghị: “Chúng ta phải sớm đưa giống bắp, đậu nành vào canh tác để tăng khả năng cạnh tranh và giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế của 2 loại cây này trong hệ thống canh tác của chúng ta hiện nay. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ quan tâm nguồn vốn cho các tỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng, làm mới hệ thống thủy lợi phục vụ cho quá trình chuyển dịch”.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trong thời điểm hiện nay là điều cần thiết, đặc biệt là trên diện tích lúa kém hiệu quả. Tuy nhiên, từ những bài học chuyển đổi cây trồng, vật nuôi “nóng vội” trong thời gian qua ở ĐBSCL cho thấy, việc chuyển đổi phải được đặt trên nền tảng thị trường với sự gắn kết chặt chẽ, minh bạch và chia sẻ quyền lợi, nghĩa vụ giữa doanh nghiệp - nông dân và sự hỗ trợ của Nhà nước và nhà khoa học.

Câu chuyện liên quan đến một bộ phận rất lớn người nông dân ở ĐBSCL và nhiều vùng miền khác trong cả nước sẽ không được xuất phát từ ý chí chủ quan. Bởi nếu không sẽ thất bại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thất bại do chủ quan, không theo nhu cầu thị trường
Thất bại do chủ quan, không theo nhu cầu thị trường

(VOV) -Nhân bài học “đắng” khiến người nông dân lao đao

Thất bại do chủ quan, không theo nhu cầu thị trường

Thất bại do chủ quan, không theo nhu cầu thị trường

(VOV) -Nhân bài học “đắng” khiến người nông dân lao đao

Nhiều loại cây trồng cạn thu nhập gấp nhiều lần cây lúa
Nhiều loại cây trồng cạn thu nhập gấp nhiều lần cây lúa

(VOV) -Chuyển đổi cây trồng đang là một yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra để đáp ứng nhu cầu trong nước và nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu

Nhiều loại cây trồng cạn thu nhập gấp nhiều lần cây lúa

Nhiều loại cây trồng cạn thu nhập gấp nhiều lần cây lúa

(VOV) -Chuyển đổi cây trồng đang là một yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra để đáp ứng nhu cầu trong nước và nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu