Cổ phần hóa Vinalines: Ưu tiên quyền lợi người lao động
VOV.VN - Tiền bán cổ phần trước tiên dành để giải quyết chế độ cho người lao động, người nghỉ chế độ một lần hoặc nghỉ hưu.
Liên quan tới việc tái cơ cấu nợ của Tổng công ty hàng hải (Vinalines) và Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines), ngày 7/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện nay cơ quan tư vấn đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp của Vinalines.
“Nếu không có gì thay đổi, tháng 10 này sẽ hoàn thành việc xác định phương án cổ phần hóa để trình Chính phủ phê duyệt. Trong phương án này sẽ có các giải pháp cụ thể trong đó có việc giải thể, phá sản một số doanh nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giải thích, sở dĩ phải có phương án giải thể và phá sản một số doanh nghiệp trong các đơn vị này là vì một số doanh nghiệp hiện không còn nhiệm vụ sản xuất kinh doanh do đội tàu kém, hỏng hóc nhiều, muốn hoạt động trở lại phải đầu tư rất lớn. Đối với Vinashinlines, sau khi Chính phủ cho phép bán hết các tàu đến nay đã thực hiện bán được trên 90% các tàu cũ.
“Sau khi bán tàu, tiền có được sẽ sử dụng giải quyết cho người lao động, sau đó giải quyết nợ nần của các đối tác và sau đó mới trả nợ ngân hàng. Tất cả các quy trình này đều được thực hiện theo quy định của nhà nước. Do vậy số công nhân, thuyền viên trước đây được nghỉ không có lương sẽ được trả lương”, Thứ trưởng Trường nói.
Cụ thể, nếu doanh nghiệp thực hiện trả lương 1 lần cho người lao động sẽ dùng tiền của cổ phần hóa để trả, nếu người lao động muốn đóng bảo hiểm sẽ dùng tiền đó đầu tư vào các đơn vị khác và người lao động được hưởng chế độ hưu trí. Tất cả các phương án đều được lập đầy đủ và sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2014, tất cả người lao động đều được giải quyết chế độ một cách triệt để.
Cũng theo đại diện Bộ GTVT, việc tái cơ cấu nợ của Vinalines và Vinasshin được thực hiện trên tinh thần bản thân các doanh nghiệp này phải tự đàm phán với tổ chức tín dụng trên nguyên tắc khoanh nợ, giãn nợ, đồng thời kiến nghị Chính phủ xoá một phần nợ lãi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện phát triển để có thể trả nợ.
“Vinashin trước kia nay là Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã cơ bản giải quyết xong vấn đề tái cơ cấu tài chính kể cả trong nước và ngoài nước. Đối với Vinalines, những doanh nghiệp của Vinashin chuyển sang đã được xử lý như Vinashin trước đây, bản thân Vinalines cũng phải chủ động làm việc với tổ chức tín dụng để tái cơ cấu nợ trong vòng 3 năm. Hiện nay đã được Thủ tướng chấp thuận nên Vinalines đã đủ điều kiện tài chính để thực hiện cổ phần hóa trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thông tin.
Đối với việc cổ phần hóa các cảng biển, đại diện Bộ GTVT cho rằng, nếu bất cứ đơn vị nào phá sản đều phải thực hiện theo quy định chung về phong tỏa toàn bộ tài sản còn lại và thành lập hội đồng bán đấu giá. Tiền thu được thực hiện theo quy định của pháp luật, ưu tiên trả cho người lao động với các đối tác và cuối cùng mới là trả cho ngân hàng, giảm thấp nhất thiệt hại tài sản của nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương cho phép cổ phần hóa tất cả cảng biển trên cả nước. Đối với những cảng lớn, thực hiện việc cổ phần hóa với tỉ lệ nhà nước nắm giữ trên 51% cổ phẩn, cảng nhỏ sẽ bán toàn bộ cổ phần. Bộ GTVT đang giao Vinalines xây dựng kế hoạch và hiện nay đã cổ phần hóa xong 9 cảng biển, thực hiện bán cổ phần ra ngoài, nhà nước nắm giữ tỉ lệ cổ phần cảng nhỏ nhất từ dưới 51% đến 75%.
Toàn bộ số tiến bán cổ phần hóa này sẽ được nạp về quỹ phát triển doanh nghiệp của Trung ương, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế Vinalines có thể trình Chính phủ xin để lại một phần để phục vụ quá trình tái cơ cấu Vinalines trong thời gian tới./.