Cơ quan cạnh tranh quốc gia phải độc lập trong mọi trường hợp
VOV.VN - Chính sách cạnh tranh phù hợp nâng cao mức độ phát triển thị trường, góp phần nâng cao năng suất và vị thế năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Tại Diễn đàn “Chính sách cạnh tranh quốc gia” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 3/10, TS. Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, Luật Cạnh tranh có hiệu lực thi hành từ năm 2005, tính đến năm 2016, Hội đồng cạnh tranh đã tiến hành điều tra chính thức 8 vụ, điều tra tiền tố tụng 87 vụ. Trong đó, Hội đồng cạnh tranh đã tiến hành xử lý 6 vụ trên tổng số 70 doanh nghiệp với mức tiền phạt sau xử lý lên đến 5,5 tỷ đồng.
TS. Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương). |
“Hệ quả là một số chuyến bay của JetStar Pacific bị ngưng trệ. Sau một cuộc điều tra do Cục Quản lý cạnh tranh, Vinapco đã bị phạt 3 tỷ đồng và được yêu cầu độc lập khỏi sự kiểm soát của Vietnam Airlines”, ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, tính đến hết năm 2016, Bộ Công Thương đã thụ lý 32 vụ việc và thông báo tập trung kinh tế và nhiều vụ việc tham vấn khác cả trước và trong quá trình các doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế. Ngoài ra, cơ quan này còn tiếp nhận 182/330 hồ sơ đề nghị xử lý, trong đó có tới 62% tố cáo về hành vi quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh. Tổng số tiến sau xử lý lên tới 2,2 tỷ đồng.
Trước thực trạng bất cập hiện nay của Luật Cạnh tranh, góp ý vào một số điểm trong Luật Cạnh tranh (sửa đổi), TS. Trịnh Anh Tuấn cho rằng, cần phải mở rộng phạm vi điều chỉnh hành vi về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh và tập trung kinh tế ra ngoài lãnh thổ Việt Nam khi có tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam.
Các đối tượng áp dụng của Luật cũng cần phải được mở rộng dành cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Đồng thời, Luật cần điều chỉnh cách kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo hướng kết hợp tư duy kinh tế và tư duy pháp lý, qua đó hình thành 1 cơ quan cạnh tranh trên cơ sở tái cơ cấu các cơ quan hiện nay gồm Hội đồng cạnh tranh và Cục Quản lý cạnh tranh thành cơ quan duy nhất là Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.
“Quá trình xây dựng Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được soạn thảo và biên tập từ cuối năm 2016. Tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã họp chuyên đề lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ về dự thảo lần 4. Bộ Công Thương đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến này để hoàn thiện dự án Luật, xây dựng dự thảo lần thứ 5 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong tháng 10 này”, TS. Trịnh Anh Tuấn cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Luật Cạnh tranh mới cần có cách tiếp cận mới, nhìn vào bản chất và tác động đến thực tế, đến cạnh tranh của các hành vi của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi năng lực và vị trí phù hợp của cơ quan cạnh tranh để thực hiện điều tra và ra quyết định đúng đắn.
Do đó, cơ quan cạnh tranh quốc gia phải là một cơ quan độc lập trong mọi trường hợp, tham mưu giúp Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về cạnh tranh, có nhiệm vụ tổ chức điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế và các nhiệm vụ khác.
“Dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi) gần như chưa đề cập đến vai trò phản biện chính sách cạnh tranh của cơ quan cạnh tranh. Do đó, cần bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ này cho cơ quan cạnh tranh để đảm bảo được kiểm soát được quy định cản trở cạnh tranh hoặc làm méo mó cạnh tranh”, ông Hiếu nêu gợi ý.
Ông Phan Đức Hiếu - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất cách thực thi pháp luật cạnh tranh hiệu quả. |
Đồng thời, chính sách cạnh tranh còn nuôi dưỡng tính năng động trong quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo một cách chắc chắn để thực hiện các mục tiêu của nền kinh tế thị trường, từ đó có thể đạt được sự công bằng và tạo ra 1 trật tự kinh tế phù hợp, không mang tính tùy tiện của các nhà hoạch định chính sách.
“Ở Việt Nam, sự cạnh tranh ngày càng tăng lên và mặc dù đã có chính sách về cạnh tranh nhưng vẫn đặt ra vấn đề về hiệu quả của sự cạnh tranh đó. Chính sách cạnh tranh liệu đã thực sự có hiệu lực trong xu hướng hiện nay của Việt Nam hay không là vấn đề cần được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp”, TS. Michael Krakowski lưu ý./.
Dự thảo Luật cạnh tranh: Cần có cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập