Có thể áp trần giá sữa
VOV.VN-Tuần này, sau khi thanh tra 5 DN sữa, nếu phát hiện sai phạm Bộ Tài chính sẽ xử lý và áp các biện pháp quản lý chặt hơn.
Sáng nay (4/3), liên bộ Tài chính – Công Thương đã có cuộc họp về việc quản lý giá sữa. Ngay sau cuộc họp này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, liên bộ Tài chính – Công thương và các ngành chức năng sẽ thanh tra 5 doanh nghiệp sữa chiếm thị phần lớn gồm: Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam và Công ty Dinh dưỡng 3 A (phân phối sữa Abbott).
Theo đó, ngay trong tuần này, các đoàn công tác sẽ thanh tra để làm rõ cơ cấu giá, rà soát các quy định của pháp luật để lý giải nghi vấn có hay không việc các doanh nghiệp sữa “bắt tay” tăng giá, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét điều tra dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh, nếu phát hiện tình trạng các doanh nghiệp liên kết với nhau để tăng giá, thao túng thị trường, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Nếu sau khi thanh tra kiểm tra, có vi phạm sẽ xử lý ngay. Không loại trừ sẽ áp dụng một trong 7 biện pháp bình ổn giá trong Luật Giá trong đó có thể tính tới biện pháp áp giá trần đối với mặt hàng sữa”.
Đại diện Cục Quản lý giá khẳng định, các doanh nghiệp (không phân biệt trong ngước hay nước ngoài) hoạt động tại Việt Nam đều phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam, việc quản lý giá sữa vẫn phải tuân thủ theo luật giá. Nhà nước tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp và sẽ điều tiết khi cần thiết. Nếu doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về giá, thuế, thì sẽ bị xử lý nghiêm.
Trước đó, mặc dù các DN đã thực hiện kê khai giá sữa theo quy định, song ngay sau khi nhận được mức giá điều chỉnh của DN, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã có công văn yêu cầu Công ty TNHH Nestle Việt Nam, nhà phân phối sữa bột Nan, giải trình lý do tăng giá. Bởi nguyên nhân điều chỉnh tăng giá sữa do lạm phát tăng, chi phí nhân công, chi phí vận chuyển và giá nhập khẩu mà DN đưa ra là chưa thỏa đáng. Cục Quản lý giá cũng đề nghị Nestle tiếp tục rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá theo Quy chế tính giá do Bộ Tài chính ban hành, thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm trong sản xuất, lưu thông và không điều chỉnh tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi. Công ty cũng phải giải trình cụ thể đối với từng sản phẩm trên cơ sở yếu tố chi phí đầu vào tăng như giá vốn nhập khẩu, chi phí bán hàng, chi phí tài chính, chi phí quản lý DN và thời điểm tăng chi phí đầu vào tác động làm giá bán sản phẩm tăng.
Cục Quản lý giá cũng yêu cầu Nestle cung cấp hồ sơ, chứng từ những loại chi phí đầu vào tăng (trước và sau khi điều chỉnh giá). Khi DN chưa giải trình, bổ sung đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo yêu cầu, Cục Quản lý giá đề nghị thực hiện bán sữa bột theo mức trước khi kê khai. Thế nhưng, trên thực tế, công ty Nestle đã tăng giá sữa từ ngày 31/1.
Trước thực tế một số DN tự ý tăng giá sữa khi chưa giải trình theo quy định, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, ngay sau khi có những dấu hiệu vi phạm về việc tăng giá sữa bột của DN, Cục đã phối hợp với Thanh tra Bộ Tài chính vào cuộc làm rõ vấn đề này theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm làm rõ hành vi vi phạm pháp luật về giá và về thuế của các DN vi phạm. Ngay sau khi có kết quả thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước việc các DN sữa tại Việt Nam đồng loạt tăng giá bán khi chưa có sự đồng thuận của cơ quan quản lý Giá, các chuyên gia kinh tế cho rằng, không loại trừ có sự thỏa thuận về giá bán, hay lạm dụng vị thế trên thị trường để nâng giá bán lẻ. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác, phải dựa vào kết quả thanh tra của cơ quan chức năng với những chứng cứ rõ ràng thì mới có thể khiến DN “tâm phục, khẩu phục”.
Các cuộc thanh tra này cần thực hiện khẩn trương, với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan quan mà ở đây chính là Bộ Tài chính và Công thương. Những hành động quyết liệt, mạnh mẽ và kịp thời của cơ quan quản lý sẽ giúp DN giảm thiểu những hành vi sai phạm và quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ một cách hữu hiệu./.