Công bố Khung Đối tác quốc gia Việt Nam 2017-2022
VOV.VN - Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển và đạt trình độ cao hơn trong nhóm các nước thu nhập trung bình.
Ngày 14/9, tại Hà Nội, Nhóm Ngân hàng Thế giới công bố Khung Đối tác quốc gia 2017-2022 làm khuôn khổ hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới. Với Khung đối tác mới này Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển và đạt trình độ cao hơn trong nhóm các nước thu nhập trung bình, thúc đẩy tăng trưởng năng suất, bền vững về mặt môi trường.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có nhiều thành công trong những năm qua, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức tồn tại dai dẳng cùng những thách thức mới như tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế, xóa đói, giảm nghèo, biến đổi khí hậu…
Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam vẫn đang kiên định tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, đẩy mạnh tăng trưởng, đạt trình độ công nghiệp hóa cao hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bền vững về môi trường.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trao Khung đối tác quốc gia Việt Nam 2017-2022 cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. |
“Khung đối tác quốc gia giai đoạn 2017-2022 của Ngân hàng thế giới dành cho Việt Nam sẽ hiện thực hóa được mục tiêu khát vọng phát triển của Việt Nam, không chỉ của giai đoạn 5 năm mà cho cả nhiều thập kỷ tới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, gắn liền với tăng trưởng toàn diện, phát triển con người và tri thức, phát triển khu vực tư nhân, cải thiện hiệu quả của quản trị nhà nước, tăng cường tính bền vững và sức chống chịu của môi trường”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Khung đối tác quốc gia Việt Nam 2017-2022 tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm: Tạo điều kiện tăng trưởng hòa nhập và sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân; đầu tư vào con người và tri thức; bảo đảm tính bền vững và sức đề kháng của môi trường và năng lực ứng phó.
Khung đối tác được soạn thảo dựa trên các kết quả phân tích trong báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ; báo cáo Đánh giá Quốc gia Việt Nam 2016 và đề ra một số dịch chuyển chiến lược gồm có: Hỗ trợ toàn diện nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào hoạt động kinh tế; đảm bảo bền vững tài chính các dịch vụ công và các chính sách xã hội; hỗ trợ giảm nghèo nhóm dân tộc thiểu số thông qua hỗ trợ sinh kế và các hoạt đọng tạo thu nhập; tiếp cận đa ngành nhằm tăng cường mối liên kết giữa giáo dục, đào tạo và thị trường lao động; hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất điện ít phát thải.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, Ngân hàng Thế giới sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp cải cách nhằm tạo tác động mang tầm chiến lược.
Đặc biệt, Nhóm Ngân hàng Thế giới vinh dự sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình củng cố vị thế của một nước thu nhập trung bình thành công và tạo tiền đề trở thành một nước thu nhập cao.
Trong giai đoạn thực hiện khung đối tác quốc gia tới, Ngân hàng Thế giới sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp cải cách với mục tiêu chính là thúc đẩy tăng trưởng, bền vững về mặt môi trường.
“Chúng tôi sẽ huy động tất cả các thể thế, các đối tác và các công cụ sẵn có nhằm tạo đa dạng nguồn vốn, chuyển biến chiến lược như cho vay, đối thoại chính sách, phân tích và tư vấn, hay bảo lãnh hỗ trợ cho Việt Nam”, ông Ousmane Dione khẳng định./.
WB giúp điều chỉnh định hướng quy hoạch phát triển đô thị quốc gia