Công nghiệp hỗ trợ cần có mũi nhọn đột phá
VOV.VN - Hội thảo nhằm hoàn thiện cơ chế pháp lý để tạo động lực phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Chiều 18/9, Sở Công Thương TP HCM tổ chức hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam”.
Các tham luận tại hội thảo nhận định: Việt Nam có nguồn lực dồi dào, thị trường nội địa tiềm năng và đang là điểm đến đầu tư mang tính chiến lược của nhiều tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ngoài. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện mới đáp ứng được 10% nhu cầu trong nước, thua xa các nước trong khu vực là 40 - 60%, dẫn tới nhập siêu lớn.
Đến nay, Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp đầu tư công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng kim loại, linh kiện cao su… Do những đòn bẩy về cơ chế, chính sách chưa thực sự mang tính đột phá nên các doanh nghiệp trong nước vẫn còn những hạn chế nhất định nên gần như chưa tham gia vào chuỗi sản xuất linh kiện này.
Ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ rất rộng, nếu đặt ra mục tiêu lớn so với trình độ phát triển kinh tế xã hội của nước ta thì sẽ không thể đạt được.
“Lâu nay, ngành công nghiệp hỗ trợ không phát triển được vì thị trường trong nước quá khiêm tốn, vì vậy cần kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Lâu nay, mục tiêu của chúng ta vẫn còn giàn trải, vì vậy tới đây cần phát triển theo chiều sâu và lựa chọn mũi nhọn để tạo sự đột phá”, ông Dương Đình Giám chỉ rõ.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Công Thương, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những chính sách được Chính phủ ưu tiên hàng đầu. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ chiếm hơn 33% giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo./.