Công nghiệp hóa sẽ chết yểu vì tự động hóa phát triển?
VOV.VN -Một số phân tích lo ngại rằng quá trình công nghiệp hóa sẽ sớm chết yểu tại các nước đang phát triển, một phần do tự động hóa.
Trong Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới phối hợp thực hiện, mới được công bố, có đề cập xu thế lớn về công nghệ và mô hình kinh doanh mới.
Trong đó, Báo cáo nêu vấn đề đáng quan ngại về việc công nghệ thay thế lao động thủ công; tiến bộ công nghệ cũng có thể làm trầm trọng các vấn đề về bất bình đẳng xã hội; khoảng cách giữa năng suất và tiền lương; thậm chí một số người còn lo ngại rằng quá trình công nghiệp hóa sẽ sớm chết yểu tại các nước đang phát triển, một phần do tự động hóa.
Công nghệ tự động hóa phát triển giúp tăng năng suất, chất lượng và giảm nhu cầu lao động thủ công (Ảnh minh họa: KT) |
Máy móc “giành” việc làm của người lao động thủ công
Phân tích cụ thể, Báo cáo này cho hay, đổi mới công nghệ, được thúc đẩy và hỗ trợ bởi cuộc cách mạng thông tin, sẽ làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và thương mại trên toàn thế giới. Những tiến bộ về công nghệ số (in 3D, vi điều chỉnh, điều khiển số máy tính thế hệ 2…) đã tạo thuận lợi cho sản xuất các sản phẩm chất lượng cao theo nhu cầu riêng một cách dễ dàng và rẻ hơn.
Hay những tiến bộ lớn về năng lượng tái tạo đang tạo ra thách thức ngày càng tăng đối với các nguồn năng lượng truyền thống thường gây hại tới môi trường. Công nghệ gen thế hệ mới và các tiến bộ khác trong lĩnh vực y sinh học cũng
sẽ mở ra ngành công nghiệp giá trị hàng ngàn tỉ USD trong thập kỷ tới, đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Đặc biệt, người máy hiện đại đang được sử dụng trong các công xưởng với cấp số nhân, làm tăng năng suất và tiết kiệm chi phí.
Trong khi đó, cuộc cách mạng thông tin tạo tiền đề cho những đổi mới đột phá về mô hình kinh doanh. Đáng chú ý nhất là Internet đã xoá bỏ nhiều lợi thế thông tin của phương thức sản xuất tập trung và chia sẻ chi phí. Vật tư được sơ chế ở các mức khác nhau và nguyên liệu thô có thể mua dễ dàng qua internet. Các nền tảng giao dịch trực tuyến như Alibaba, Etsy, Makers’ Row cho phép nhà sản xuất tìm kiếm khách hàng mà không cần phải chi tiêu nhiều cho quảng cáo và phân phối. Các trang điện tử nhằm huy động vốn từ cộng đồng như Indiegogo và Kickstarter có thể hỗ trợ tìm nguồn vốn.
Đánh giá về sự phát triển công nghệ này, các chuyên gia cho rằng, hầu hết các xu hướng trên đều mang lại cơ hội tốt. Nhưng chúng cũng có thể đi kèm những tác động phụ với những hệ quả ngoài dự kiến và cần được quản lý tốt. Công nghệ mới đòi hỏi kĩ năng cao, tiết kiệm lao động nên các ngành nghề phổ thông thuộc nhóm thu nhập trung bình sẽ dần biến mất và thay vào đó là những việc làm đòi hỏi tay nghề cao và mang lại thu nhập cao hơn.
Biểu hiện là ngay ở thời điểm này, công nghệ đã thay thế lao động thủ công trong nhiều ngành từ dệt may đến kim khí. Tiến bộ công nghệ cũng có thể làm trầm trọng các vấn đề về bất bình đẳng xã hội vì người nào tận dụng được sức mạnh công nghệ sẽ có thu nhập cao hơn. Khoảng cách giữa năng suất và tiền lương cũng trở nên lớn hơn. Một số người thậm chí còn lo ngại rằng quá trình công nghiệp hóa sẽ sớm chết yểu tại các nước đang phát triển, một phần do tự động hóa.
Việt Nam cần có đầu tư dài hạn nâng tay nghề kỹ thuật
Đối với Việt Nam, Báo cáo cho hay, với một nền kinh tế năng động và dễ thích ứng, chắc sẽ phải nhìn nhận về những đổi mới sáng tạo đột phá này theo hướng lạc quan. Nhưng để khai thác tối đa tiềm năng đó, cần phải đầu tư dài hạn nhằm nâng cao tay nghề kĩ thuật cho thế hệ tiếp theo và phải đặt trọng tâm vào phát triển môi trường kinh doanh trong nước. Một số công nghệ đi kèm rủi ro cũng cần được quản lý thận trọng.
Chỉ rõ những rủi ro và lợi ích tiềm năng của công nghệ mới đối với Việt Nam, Báo cáo Việt Nam 2035 phân tích: Về năng lượng mặt trời, có sẵn quanh năm trên cả nước, đặc biệt ở miền Trung và miền Nam. Thị trường pin mặt trời và hệ thống đun nước rất lớn nhưng tiến triển trong việc khai thác tiềm năng này còn chậm do đòi hỏi chi phí phát triển cao. Các tấm pin mặt trời đã được lắp đặt tại
Nha Trang và các đô thị dọc bờ biển miền Trung và tại các vùng nông thôn, miền núi và các vùng sâu, vùng xa, hải đảo đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận điện lưới.
Với dịch vụ điện toán đám mây, phân tích và di động xã hội (SMAC), các chuyên gia nhìn nhận, nó mang lại cơ hội có thể bắt kịp với các quốc gia phát triển trong kỷ nguyên số, với điều kiện có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, Chính phủ và doanh nghiệp.
Việt Nam cũng có lợi ích tiềm năng từ thực phẩm biến đổi gen và những tiến bộ khác trong các ngành khoa học về sự sống. Các giống ngô được cải tạo - bằng công nghệ gien và những tiến bộ khác về sinh học cây trồng - có thể sử dụng làm thức ăn vỗ béo lợn, qua đó đem lại triển vọng thương mại lớn.
Theo dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam là 33kg/người/năm, vượt cả EU và Trung Quốc. Canh tác sản phẩm biến đổi gien cũng giúp giảm nhập khẩu thức ăn gia súc mà mức tăng lên đến 4 lần trong giai đoạn 2011-2014. Các sản phẩm như vậy phải được làm rõ, minh bạch về những rủi ro đối với sức khoẻ, tăng cường quản lý nhà nước theo yêu cầu của các nhóm đại diện người tiêu dùng và môi trường.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhiều cơ hội đang xuất hiện khi các công ty nước ngoài xâm nhập thị trường và các công ty thương mại điện tử trong nước đang củng cố, sáp nhập để đứng vững trước sức ép cạnh tranh. Ước tính năm 2015, doanh số thương mại điện tử đạt mức 15 tỉ USD do số người sử dụng internet tăng nhanh và số người sử dụng điện thoại thông minh còn tăng nhanh hơn.
Tình trạng thiếu ứng dụng mua bán trực tuyến, chậm tăng trưởng về thanh toán trực tuyến, những quan ngại về an ninh trong các giao dịch mua bán trực tuyến và vấn đề về dịch vụ logistics giao hàng có thể truy dấu và đúng hạn vẫn là những trở ngại đối với thị trường thương mại điện tử và cần được quan tâm giải quyết để tiếp tục phát triển nhanh. Dịch vụ logistics thương mại điện tử sẽ có nhiều đòi hỏi hơn và phức tạp hơn so với dịch vụ logistics xuất nhập khẩu hiện có ở Việt Nam.
Công nghệ in ba chiều có thể mang lại nhiều cơ hội to lớn nhưng cũng đe doạ công nghiệp chế tạo truyền thống của Việt Nam. Khi công nghệ in 3D phát triển, công nghiệp chế tạo có xu hướng sẽ chuyển sang sản xuất quy mô nhỏ, phân bố rộng và sản xuất theo nhu cầu khách hàng. Những diễn biến đó sẽ khiến cho nhà đầu tư ở các nền kinh tế phát triển có thể chuyển các cơ sở sản xuất về nước họ./.