Công nghiệp ô tô 2019: Bộ Công Thương hỗ trợ và thúc đẩy các dự án
VOV.VN - Hỗ trợ các dự án ngành ô tô được xem là những tín hiệu tốt cho việc gia tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong năm 2018, thị trường ô tô Việt Nam có sự thay đổi đáng kể, nhất là những tác động từ các chính sách quan trọng như chính sách thuế nhập khẩu; thuế tiêu thụ đặc biệt; Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện… khiến sản lượng sản xuất ô tô 10 tháng ước đạt trên 208.000 chiếc, tăng 14,2% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2019 này, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy các dự án ngành ô tô như của Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty CP Tập đoàn Thành Công, Vinfast và các dự án khác. Đây được xem là những tín hiệu tốt cho việc gia tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới.
Ý thức vai trò của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT), trong khi ô tô là ngành công nghiệp quan trọng trong phát triển nền công nghiệp, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh VinFast cho biết, doanh nghiệp có chính sách ưu đãi và ưu tiên hợp tác với các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT tại Việt Nam.
Bộ Công Thương tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia. |
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trường Hải, trong công nghiệp ô tô, CNHT sẽ giúp giảm giá thành, định vị sản phẩm cho dòng xe tải, bus và xe con. Nếu doanh nghiệp có thể tự sản xuất được linh kiện với quy mô lớn, hoặc trao đổi linh kiện phụ tùng với các nhà sản xuất khác sẽ là yếu tố thuận lợi góp phần giảm chi phí.
“Thaco làm các cụm chi tiết chính, các chi tiết phụ được giao cho các nhà cung cấp nhỏ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hợp tác với nước ngoài mua nguyên vật liệu, đối lưu chi tiết phụ tùng qua cụm linh kiện như xuất áo vải bọc, áo ghế da, ghế ngồi và nhập trở lại chi tiết phụ tùng cơ khí. Với việc hợp tác như vậy, Thaco vừa là nhà cung ứng, vừa là nhà xuất khẩu lên đến 20 triệu USD”, ông Dương cho biết.
Cho rằng CNHT là một trong những yếu tố quyết định giá bán xe ô tô do doanh nghiệp trong nước sản xuất và lắp ráp, ông Lương Đức Toàn, Phó Trưởng phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo (Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương) nhìn nhận, CNHT cho công nghiệp ô tô chưa phát triển nên chi phí sản xuất xe ở Việt Nam đang cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN khoảng từ 10-20%.
“Công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chậm phát triển là do dung lượng thị trường nội địa hạn chế, lại bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều mẫu mã khác nhau khiến cho các công ty cả sản xuất, lắp ráp và sản xuất linh kiện phụ tùng rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt”, ông Toàn cho biết.
Tăng cao năng lực cho doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô không thể đạt được nếu thiếu sự tăng trưởng của thị trường, sản xuất lắp ráp xe trong nước và CNHT. Cần phải nâng cao năng lực doanh nghiệp CNHT ngành ô tô đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, năm 2019, Bộ sẽ tiến hành xây dựng thí điểm chuỗi cung ứng ngành ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong và ngoài nước; nghiên cứu các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có qui mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia.
Đặc biệt, một trong những giải pháp quan trọng được Bộ Công Thương đề ra là đẩy mạnh chương trình hợp tác quốc tế, nâng cao trình độ các doanh nghiệp Việt Nam và kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu, đặc biệt kỹ thuật và công nghệ sản xuất thông qua việc huy động các nguồn vốn ODA và xã hội hóa để xây dựng các Trung tâm kỹ thuật.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, ở góc độ CNHT, Bộ Công Thương đưa ra giải pháp nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT để khắc phục những bất cập về danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, cũng như chính sách riêng biệt cho các ngành có đặc thù riêng.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành CNHT theo Chương trình phát triển CNHT đã phê duyệt trong một số ngành trọng điểm như: Công nghiệp ô tô, điện tử, dệt may và da giày; tập trung vào khâu tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhằm khai thác hiệu quả quá trình hội nhập.
Đồng thời, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút vốn các nguồn lực phục vụ hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ; nghiên cứu xây dựng Nghị định về phát triển các ngành công nghiệp chế tạo./.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam 20 năm vẫn phụ thuộc doanh nghiệp FDI