Cước vận tải không giảm và “quyền tẩy chay” của người tiêu dùng
VOV.VN - Hầu hết các doanh nghiệp vận tải đã cố tình lờ đi nghĩa vụ chia sẻ quyền lợi với khách hàng, điều mà họ từng kêu gọi khi muốn tăng giá.
Dư luận đang bức xúc trước tình trạng giá cước vận tải vẫn ở mức cao, mặc dầu giá xăng dầu liên tục giảm. Làm gì để quan hệ giữa nhà cung cấp dịch vụ với khách hàng vận hành đúng qui luật của nền kinh tế thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Liệu người tiêu dùng có sử dụng quyền năng tối cao của mình là tẩy chay sản phẩm, dịch vụ của nhà cung cấp khi chất lượng, giá cả bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Trước tình trạng giá cước vận chuyển vẫn treo ở mức cao, khi xăng dầu đã giảm giá đến lần thứ 5 với tổng mức giảm trên 30% trong vòng 3 tháng qua, Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã liên tục có chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp tính toán lại chi phí để giảm cước vận chuyển phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích với khách hàng.
Nhiều doanh nghiệp vận tải chây ì giảm giá cước. (Ảnh: Báo Bình Dương). |
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đã cố tình lờ đi nghĩa vụ “chia sẻ” quyền lợi với khách hàng, điều mà họ từng kêu gọi khi muốn tăng giá trước đây, trừ Hãng Taxi Mai Linh giảm nhỏ giọt 500 đ/ km. Trong khi các doanh nghiệp viện dẫn nhiều lý do để chây ì, không giảm cước vận chuyển thì các Bộ chức năng hầu như vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để chấn chỉnh, ngoài việc “ kêu gọi suông”. Còn doanh nghiệp thì vẫn phớt lờ yêu cầu giảm giá cước.
Còn nhớ, trong lần đi kiểm tra thực tế ở Bến xe Miền Đông, thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu năm, lúc giá xăng dầu đã giảm hơn 30% so thời điểm giá xăng cao nhất, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đã kêu gọi khách hàng “tẩy chay những doanh nghiệp không giảm cước”. Việc người đứng đầu ngành giao thông - vận tải kêu gọi tẩy chay doanh nghiệp không "chịu" giảm giá cước nhắc người tiêu dùng về một thứ quyền lực rất lớn của họ. Đó là “Quyền tẩy chay” hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hoặc không phù hợp về giá cả, hình thức cung cấp, mà Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã qui định.
Người tiêu dùng là một bên hình thành quan hệ cung - cầu trên thị trường, đồng thời là nhân tố có "sức nặng" đối với hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp, trong đó có việc xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ.
Tẩy chay là cách người tiêu dùng “nói không" với một hoặc nhiều loại hàng hóa, dịch vụ nào đó. Quyền ấy, đã được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, trên thực tế, từ nhiều năm nay, gần như không có một cuộc tẩy chay lớn, chính thức hoặc đúng nghĩa nào từ phía người tiêu dùng, ngoại trừ "chiến dịch" tẩy chay bột ngọt Vedan năm 2008, do Công ty này vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây thiệt hại cho hàng nghìn hộ nông dân.
Ngay như gần đây, một loạt siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội bày bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng được các phương tiện truyền thông “điểm mặt chỉ tên”, cũng chỉ ồn ào được năm ba bữa, rồi đâu lại vào đấy.
Vì sao vậy?
Trước hết, tính xuê xoa, cách nghĩ "chín bỏ làm mười" rất phổ biến và ăn sâu trong thói quen của người tiêu dùng Việt Nam. Trở lại với dịch vụ vận tải hiện nay, thiệt hại từ một chuyến taxi cho một cá nhân có thể không bao nhiêu, nhưng ở góc độ người tiêu dùng toàn xã hội, trên nhiều lĩnh vực vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường bộ, hàng không, đường thủy …. Thì hiệt hại đó là vô cùng lớn.
Thứ hai là ngoại trừ các chuyên gia pháp lý, cơ quan quản lý chuyên ngành, rất ít người tiêu dùng ý thức được "quyền hạn" của mình. Quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ được pháp luật bảo hộ mà việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Việc bảo vệ phải được thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về quyền tẩy chay còn là yêu cầu đối với cả cơ quan quản lý cũng như các tổ chức đại diện cho người tiêu dùng.
Tuy vậy, “Quyền tẩy chay” của khách hàng chỉ có thể được thực hiện khi thị trường có sự cạnh tranh minh bạch. Liệu người tiêu dùng còn sự lựa chọn nào khác nếu các có chuyện ngầm "bắt tay nhau" giữa các doanh nghiệp nhằm bảo vệ lợi ích cho riêng mình. Vì vậy, vai trò quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước, các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất quan trọng, không chỉ bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng mà còn góp phần đưa quan hệ cung cầu vận hành đúng qui luật của kinh tế thị trường./.