Cuối năm nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản rất cao
VOV.VN - Công tác thú y phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản 8 tháng qua góp phần quan trọng vào tăng trưởng 6,3% của ngành chăn nuôi.
Tại hội nghị phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản diễn ra hôm nay (3/9) ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, những tháng cuối năm nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao vì vậy các địa phương không chủ quan, cần chủ động phòng là chính.
Công tác thú y phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản 8 tháng qua đảm bảo tốt đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng 6,3% của ngành chăn nuôi.
Đến nay cả nước còn 5 ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm ngoài, số ổ dịch tăng 2 lần và số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy cao hơn 2,8 lần. Các ổ dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra trên vịt. Liên quan dịch lở mồm long móng và lợn tai xanh, các ổ dịch chỉ xảy ra nhỏ lẻ ở các địa phương.
Về bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã có 98% số xã trên cả nước công bố hết dịch, đảm bảo đủ điều kiện tăng đàn và tái đàn lợn. Hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi gây ra, đến hết tháng 7 năm nay, tổng kinh phí Trung ương đã xuất cấp hỗ trợ 58 tỉnh, thành phố là 6.232 tỷ đồng, tương đương khoảng 88% số kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ…
Nhận định về dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản trong những tháng cuối năm các đại biểu cho rằng, nguy cơ dịch diễn biến phức tạp là rất cao bởi thời tiết thay đổi, tổng đàn gia súc, gia cầm gia tăng và mật độ chăn nuôi cao. Hơn nữa việc vận chuyển giữa các địa phương tăng cao để phục vụ nhu cầu cuối năm, giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến, mầm bệnh còn lưu hành nhiều ở môi trường.
Trên cơ sở này, các ý kiến đề nghị, cần chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo về nguồn lực, kinh phí phòng, chống dịch bệnh. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi về những dịch bệnh nguy hiểm, phải quyết liệt trong chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở chủ động phát hiện sớm, cảnh báo ổ dịch nghi ngờ và xử lý dứt điểm, không để lây lan diện rộng.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y lưu ý, các địa phương cần triển khai tiêm phòng vắc xin đàn gia súc, gia cầm bảo đảm kế hoạch đề ra. Đồng thời rà soát, nắm chắc tổng đàn vật nuôi và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để có biện pháp kiểm soát phù hợp, hiệu quả; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
“Đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi giải pháp trọng tâm trong Kế hoạch Quốc gia vẫn là chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Một yếu tố quan trọng nữa là khi tái đàn đồng nghĩa không chỉ tái phát dịch tả lợn Châu Phi mà còn xuất hiện các bệnh khác vì vậy các bệnh trên lợn phải được tiêm phòng đầy đủ vaccine như: lở mồm long móng, tai xanh… về đàn gia cầm đang có khoảng 500 triệu con và lượng gia cầm sẽ tăng cao vào những tháng cuối năm, trong khi đó mầm bệnh ngoài môi trường còn nhiều. Vì vậy giải pháp quan trọng nhất hiện nay là người chăn nuôi và doanh nghiệp phải tiêm phòng triệt để cho đàn gia cầm”, ông Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, công tác thú y được đảm bảo đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành chăn nuôi và thủy sản, đây là yếu tố quan trọng thực hiện mục tiêu an ninh lương thực và thực phẩm mà ngành nông nghiệp đã và đang triển khai nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, trên cơ sở kết quả đạt được nhưng không chủ quan bởi quý 4 hàng năm nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên gia súc gia cầm là rất lớn. Theo đó, các địa phương tăng cường hoạt động quản lý chuyên ngành công tác thú y coi “phòng là chính”, đồng bộ cả hệ thống phải vào cuộc từ khu vực quản lý nhà nước từ các doanh nghiệp, doanh nhân và người dân phải thực hiện nghiêm các quy trình về dịch tễ để đảm bảo làm sao chúng ta giữ được an toàn.
“Không chỉ chú ý đến công tác tiêm phòng, an toàn dịch bệnh mà còn chú ý đến công tác chế biến, giết mổ. Một điểm nữa là phải tăng cường các giải pháp quản lý thị trường cho tốt chứ nếu không chúng ta quản lý thị trường không tốt thì gian lận thị trường, gian lận thương mại từ đó kéo theo không chỉ là lây nhiễm bệnh tật mà còn khâu an toàn thực phẩm”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý./.