Cứu Vinashin: Không cần quá nhiều nguồn lực
VOV.VN -Sau khảo sát, DATC thấy nhiều doanh nghiệp có thể được tái cơ cấu nhanh, đảm bảo cân bằng thu chi sau thời gian ngắn…
Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) Phạm Thanh Quang cho biết: DATC đã thành lập Phòng Mua bán nợ 2 để thực hiện chuyên trách các công việc liên quan đến tái cơ cấu Vinashin.
Ông Phạm Thanh Quang trong buổi trả lời phỏng vấn của VOV.VN (ảnh V.H) |
PV: Thưa ông, được biết, hiện Vinashin có tới hơn 200 doanh nghiệp. Nếu cứu toàn bộ số DN này sẽ là một núi công việc. Liệu DATC có đảm đương nổi?
Ông Phạm Thanh Quang: Chúng tôi đã rà soát và phân loại các DN. Trong số 200 DN có khoảng 70 DN là 100% vốn Nhà nước, số còn lại thì chỉ là cổ phần hoặc có liên quan về thương hiệu. Đối với các DN 100% vốn nhà nước, trách nhiệm Nhà nước phải cứu vì đó là “con” của mình.
Với kinh nghiệm của mình, cộng với nguồn lực về con người, tài chính, DATC đang xây dựng các phương án tái cơ cấu cho Vinashin. Chúng tôi đang cân nhắc, tính toán hiệu quả của phương án xử lý. Nếu tái cơ cấu mà quá tốn kém và không đem lại hiệu quả xã hội thì cho giải thể hoặc phá sản vẫn hơn.
Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, việc phá sản một doanh nghiệp không đơn giản, có thể tốn kém hơn và gây nhiều hệ lụy xã hội. Khi phá sản DN phải giải quyết rất nhiều vấn đề, từ lao động, thuế, tài sản… và nhiều hệ quả khác, đặc biệt là công nợ của các chủ nợ khác nữa. Phải đi vào cụ thể để xem cơ cấu kiểu gì, có thể chuyển đổi hay không, còn DN nào “nặng” quá rồi thì có thể giải thể hoặc phá sản.
DATC xác định, đầu tiên phải để DN hoạt động trở lại, có thể chưa đủ bù đắp, để giảm dần lỗ xuống, sau đó đến giai đoạn dừng lỗ và có lãi một chút. Khi đó, tiếp tục củng cố bộ máy, chờ cơ hội.
PV: Nhiều người cho rằng, Vinashin đã “đắm” rồi thì cho nó "chết" luôn chứ không nên cứu nữa, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay?
Ông Phạm Thanh Quang: Việc nhìn nhận vấn đề rất quan trọng. Bác sĩ chữa bệnh thì không được quyền chọn người bệnh. Không phải vì người bệnh này đã từng có án thì không chữa. Nếu cứ sợ, nhìn mọi việc đen tối thì sẽ không làm được gì cả. Nhưng cứu thì cũng có “bệnh nặng, bệnh nhẹ”. Có người bệnh nhẹ cứu nhanh, nhưng có người bệnh nặng, phức tạp thì phải điều trị kéo dài, với nhiều phác đồ khác nhau.
Qua khảo sát chúng tôi thấy cũng có 1 số DN rất khó, rất “nặng”, do đầu tư lớn quá, nợ nhiều quá. Có DN nợ đến 20.000 tỷ. Việc đầu tiên, theo chúng tôi, phải để DN hoạt động trở lại, có thể chưa đủ bù đắp, để giảm dần lỗ xuống. Sau đó đến giai đoạn dừng lỗ và có lãi một chút. Khi đó, tiếp tục củng cố bộ máy, tìm cơ hội. Nếu cả thế giới phục hồi thì ngành đóng tàu không hết việc làm. Phải giữ nó để chờ cơ hội. Chúng ta phải tính những bài toán vĩ mô, mang tính dài hạn.
PV: Thế nhưng, theo cảm nhận thì nhiều người không tin là Vinashin sẽ phục hồi?
Ông Phạm Thanh Quang: Tôi cho rằng, đó là sai lầm. Chắc chắn Vinashin sẽ phục hồi trở lại ổn định và phát triển nhưng đương nhiên bước tiếp đây phải thận trọng hơn. Vì đó vẫn là thị trường, hiện tại, nhu cầu thế giới vẫn có nhưng ít thôi và nhiều hãng tàu đang cạnh tranh.
Công việc đầu tiên là phải xử lý tồn tại tài chính cho các DN này sạch sẽ, phục hồi. Thực ra, hiện nay đóng tàu đã co bớt lại rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục vận hành để giữ lại những máy móc, nhà xưởng, ụ nổi… hiện vẫn còn hoạt động tốt. Những tài sản như ụ, cảng, cẩu, máy móc, thiết bị… thì không có gì đáng lo vì nó thuộc vốn chủ, nếu tăng vốn chủ lên thì sẽ giảm lãi vay. Mình phải chờ thời. Nếu không khoanh lại thì lãi mẹ đẻ lãi con, vài năm là mất vốn.
Có thời, Vinashin làm không hết việc, đẩy hết cho tư nhân làm những loại tàu cỡ một vài nghìn tấn mà chỉ làm tàu to. Chỉ cần 3 năm nữa tình hình sẽ khác. Thế giới đã có nhiều nhà máy đóng tàu đóng cửa, bán sắt vụn rồi. 3 năm nữa, nhu cầu phát triển trở lại thì đóng tàu lại không hết việc. Bây giờ phải tính để giữ cơ sở sản xuất, còn con người có thể giảm để họ đi làm việc khác để giải quyết dôi dư… đến khi có việc họ lại về.
Tôi đã đi hầu hết các đơn vị của Vinashin rồi. Những thăng trầm của ngành đóng tàu tôi đều biết nhưng cái vướng hiện nay là việc nhìn nhận, đánh giá như thế nào cho đúng.
PV: Vậy DATC sẽ cần phải có nguồn lực rất lớn mới có thể giải quyết được những vướng mắc ở Vinashin hiện nay, thưa ông?
Ông Phạm Thanh Quang: Không cần quá nhiều nguồn lực. Trước mắt DATC có 2.000 tỷ thôi. Mấy năm qua, dù vốn có 2.000 tỷ nhưng chúng tôi vẫn làm thêm được 1.000 tỷ. Hiện tại, chúng tôi cũng đã giúp được 20 tổng công ty Nhà nước và đã có thể chuyển đổi được rồi. Bây giờ đang làm Vinashin. DATC cũng đang xin cấp thêm tiền để kéo dài nợ, khoanh nợ.
Chính sách đã đúng rồi, điều quan trọng là tổ chức thực hiện. Ngân hàng, DATC, SCIC, Bộ Giao thông-Vận tải… tập trung chỉ đạo như thế nào để nhanh chóng tái cơ cấu. Tôi hy vọng, về cơ bản, năm nay sẽ làm một số DN (cả SCIC và DATC) sẽ cơ cấu được khoảng trên 10 DN 100% vốn nhà nước, còn với DN cổ phần thì khoảng vài chục DN. Đương nhiên việc xử lý này sẽ dừng lại ở một số khía cạnh nào đấy chứ không phải “sạch” hết. Còn lại đa số sẽ rơi vào sang năm, sẽ chuyển đổi gần hết, trừ những DN không còn cơ sở, không còn con người thì có thể xem xét giải thể hoặc phá sản. Bởi có thể những DN ấy được lập ra để xử lý dự án. Còn những nhà máy, xí nghiệp… thì phải cẩn trọng hơn.
PV: Vậy việc đàm phán với các chủ nợ nước ngoài có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Ông Phạm Thanh Quang: Hiện công việc này tương đối ổn. Chính phủ đã có phương án xử lý cả nợ trong nước và ngoài nước. Bản thân chủ nợ nước ngoài đã sẵn sàng giãn nợ và bán lại nợ. Vinashin hiện nay cũng mua được nhiều nợ của các tổ chức nước ngoài. Ngay các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã chấp nhận mất. Có khoản nợ các NH bán cho nhà đầu tư hoặc bán cho Vinashin hoặc anh khác với giá dưới 30%. Có chủ nợ chấp nhận kéo dài thời gian, thu lãi suất thấp...
PV: Vậy việc xử lý nợ tại các DN này sẽ được DATC giải quyết theo hướng nào, thưa ông?
Ông Phạm Thanh Quang: DATC sẽ mua lại nợ cho ngân hàng để họ giải phóng sổ sách, chốt nợ. Cơ cấu một DN phải trong nhiều năm, ít nhất phải từ 3-5 năm và phải mất nhiều công sức, tính toán nhiều hơn. Thậm chí còn tính đến phương án đưa cả nhà đầu tư nước ngoài vào. Hay nhiều tàu bè đã đóng xong cũng phải bán chịu cho người ta. Có thể bán rẻ, bán chịu còn hơn cứ giữ rồi phải bảo dưỡng hàng năm. Những con tàu đang đóng dở thì tìm nhà đầu tư mới. Mình thiệt đi một tí còn hơn để nợ chồng chất lên.
PV: Xin cảm ơn ông!