Đạ K’Nàng vươn lên thoát nghèo nhờ đa dạng hóa cây trồng
VOV.VN - Đạ K’Nàng là xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của huyện nghèo Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn thay đổi tư duy trong canh tác, đưa nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất để thay thế các diện tích cà phê già cỗi cho năng suất thấp.
Người dân Đạ K’Nàng thoát nghèo
Thu nhập của người dân tại Đạ K’Nàng đã tăng lên rất nhiều so với trước. Không chỉ đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, mà Đạ K’Nàng còn nhanh chóng hoàn thành xã nông thôn mới và đang tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
3 năm trở lại đây, nhờ chuyển đổi một phần diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất thấp sang trồng dâu nuôi tằm, kinh tế của gia đình ông K’Bát, ở thôn Băng Dung, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông đã cải thiện rõ rệt.
Ông K’Bát cho biết, trước đây chỉ canh tác cà phê nên mỗi năm thu nhập 1 lần, từ ngày trồng dâu nuôi tằm thì tháng nào cũng có thu nhập. Không riêng gia đình mình mà phần lớn người dân nơi đây đều mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, từ đó đời sống của bà con đã phát triển hơn rất nhiều so với trước.
“Trước đây, khi chưa áp dụng KHKT vào sản xuất cà phê thì sản lượng chưa được cao, đời sống của người dân rất khó khăn. Từ ngày áp dụng kỹ thuật vào canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển một phần diện tích cà phê sang trồng dâu nuôi tằm và 1 số loại cây ăn trái khác thì thu nhập của người dân đã tăng lên. Hiện kinh tế của gia mình mình nói riêng, bà con trên địa bàn nói chung đã phát triển hơn trước rất nhiều rồi” - ông K’Bát nói.
Tương tự, ông Lơ Mu Ha Bình, ở thôn Đạ Mun, xã Đạ K’Nàng đã đưa kinh tế gia đình tiến lên một bước mới nhờ chuyển đổi 2ha cà phê già cỗi sang trồng cây mắc ca. Ông Bình cho biết lúc đầu lo lắm nhưng cũng nhờ có cán bộ khuyến nông truyền đạt cách thức chăm sóc nên vườn cây luôn sinh trưởng và phát triển tốt. Trong vụ vừa qua, vườn mắc ca đã cho được 2 tấn quả, gia đình thu lãi gần 200 triệu đồng.
“Trồng cây mắc ca hiệu quả cao, thu nhập ổn định, dễ trồng, chăm sóc nhẹ mà lại ít tốn công, ít tốn chi phí đầu tư như cà phê. Từ ngày chuyển sang trồng loại cây này, kinh tế của gia đình đã nâng lên rõ rệt. Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã định hướng giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế gia đình” - ông Lơ Mu Ha Bình nói.
Đa dạng cây trồng, không phụ thuộc vào cà phê
Hiện ngoài diện tích 3.200 ha cà phê, Đạ K’Nàng đã trồng xen được 885 ha cây mắc ca, hàng trăm ha cây ăn trái và dâu nuôi tằm, 60 ha rau-hoa các loại theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, còn có một số diện tích trồng thử nghiệm cây dược liệu, cây thuốc Nam và bước đầu cho thấy sự phù hợp. Đáng chú ý, sản phẩm chuối laba của Đạ K’Nàng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP và đã xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực. Kinh tế phát triển nên thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên 45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của Đạ K’Nàng cũng đã nhanh chóng giảm sâu từ 17% xuống còn 5% theo tiêu chí mới đa chiều.
Già làng Kon Sơ Ha Wớp, ở thôn Đạ K’Nàng, xã Đạ K’Nàng cho biết, kinh tế cải thiện thì nhận thức của người dân cũng dần tiến bộ. Ai cũng lo chăm chỉ làm ăn, không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại sự đãi ngộ của Nhà nước. Từ đó, khối đại đoàn kết dân tộc càng thêm phát huy, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Người dân đều ý thức chung tay xây dựng quê hương giàu mạnh.
“Trước đây chưa có đường, trường, trạm xá nay thì có đầy đủ rồi, khá hơn trước nhiều rồi. Toàn xã mình trước thì trồng đại trà cà phê, không có trồng xen vào cây khác nay thì chuyển đổi, trồng dâu nuôi tằm. Ví dụ mỗi nhà nuôi 1 họp tằm thì thu được 12 triệu/tháng, khác hẳn so với làm cà phê. Nói chung trước bà con ở đây hơi lu mờ trong làm ăn, vài năm này nó khác hẳn, có tính tự giác. Không có trông chờ ỷ lại nữa đâu, bỏ cái lạc hậu và tiến hành nhiều cái đổi mới” - già làng Kon Sơ Ha Wớp cho biết.
Xã Đạ K’Nàng có gần 2.000 hộ, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm hơn 45%. Theo ông Nguyễn Bá Nhân, Chủ tịch UBND xã Đạ K’Nàng, nhờ định hướng đúng đắn của cấp ủy và chính quyền địa phương trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa, Đạ K’Nàng đã cơ bản hình thành được các vùng sản xuất cây trồng chủ lực và phù hợp. Nhờ đó, trong khi cả nước đối mặt với khó khăn bởi đại dịch Covid-19 thì Đạ K’Nàng vẫn nhẹ nhàng cán mốc đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021.
Ông Nguyễn Bá Nhân cho biết: “Đạ K’Nàng năm bảy năm trước là độc canh cây cà phê, xã đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi đa dạng hóa cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao rõ rệt. Thu nhập bình đầu người đã tăng cao; từ tỷ lệ hộ nghèo khoảng 17% hiện chỉ còn 5,03% theo chuẩn đa chiều. Người dân tộc thiểu số thì có rất nhiều hộ vươn lên khá giả, thậm chí nhiều hộ trở nên giàu có. Hiện nay xã của chúng tôi đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, đưa xã Đạ K’Nàng ngày càng phát triển”.
Song song với việc chuyển đổi cơ cấu xây trồng, xây dựng các vùng chuyên canh tập trung với từng loại cây trồng phù hợp, Đạ K’Nàng còn đang đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho nông sản của địa phương. Với hướng đi này, tin chắc nằng Đạ K’Nàng sẽ hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024 như mục tiêu đã đặt ra.