Đà Nẵng khai trương Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm số 2
VOV.VN - Sáng nay (16/1), UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ công bố Quyết định mở rộng và khai trương Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2. Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tham dự lễ và cắt băng khánh thành.
Tham dự buổi lễ còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, lãnh sự quán nước ngoài, các tổ chức, mạng lưới quốc tế, các cơ quan hợp tác quốc tế, hiệp hội, tập đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược, các trường đại học, viện nghiên cứu, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế.
Thành phố Đà Nẵng khai trương Khu Công viên phần mềm số 2 và đưa vào sử dụng Tòa nhà ICT1 với 8 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 39.000 m2, diện tích khai thác 21.000 m2, trong đó ưu tiên cho các đối tác chiến lược, các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Hiện nay đã có hơn 30 doanh nghiệp đăng ký thuê văn phòng tại Tòa nhà ICT1 với tổng diện tích đăng ký khoảng 25.000 m2, vượt quá diện tích cho thuê của Tòa nhà ICT1.
Như vậy, đến nay thành phố Đà Nẵng tiếp tục hình thành thêm 1 khu công viên phần mềm. Toàn thành phố hiện có 4 khu công nghệ thông tin tập trung cùng với các khu công nghệ thông tin đang quy hoạch, xây dựng đã và đang thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố. Tỷ trọng kinh tế số năm 2023 chiếm 20,69% GRDP thành phố, vượt chỉ tiêu đề ra vào năm 2025 là 20%. Thành phố Đà Nẵng từng bước định vị thương hiệu trên bản đồ công nghệ thông tin Việt Nam và thế giới.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng được xác định là công trình động lực, trọng điểm để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị tại Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 tiếp tục triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW và Nghị quyết số 136 năm 2024 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thành phố kỳ vọng thúc đẩy các phương thức sản xuất mới, hiện đại, chú trọng các lĩnh vực mũi nhọn mới như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, công nghệ tài chính (Fintech). Trung tâm này sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế chủ đạo với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp 2-2,5 lần tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố, đến năm 2030 quy mô kinh tế số chiếm 35-40% GRDP thành phố; hướng đến hoàn thành mục tiêu “Đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực Đông Nam Á” và mục tiêu đến năm 2045 “Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á” theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị”.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Đất nước đang trong quá trình bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước. Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, sự hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và sự hỗ trợ, đồng hành từ các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế với thành phố Đà Nẵng để tháo gỡ các điểm nghẽn, vượt qua các thách thức, phát triển thành phố nhanh và bền vững”.
Từ những năm 2000, công nghệ thông tin đã được thành phố Đà Nẵng xác định là lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn phát triển của thành phố. Với cách tiếp cận lấy ứng dụng công nghệ thông tin tạo động lực để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, thành phố đã bố trí ngân sách đầu tư xây dựng Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng - mô hình điểm đầu tiên trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành phố.
Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng đưa vào sử dụng từ tháng 10/2008 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu công nghệ thông tin tập trung vào tháng 12/2017. Với hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, hiệu suất sử dụng đất, đây là mô hình minh chứng cho chiến lược và quyết sách đúng đắn của thành phố trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.
Từ thành công mô hình Khu công viên phần mềm Đà Nẵng, nhằm tiếp cận xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với chiến lược chuyển từ gia công sang làm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng kinh tế số, thành phố Đà Nẵng triển khai các thủ tục quy hoạch và lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Khu Công viên phần mềm số 2, với 3 tòa nhà ICT1, ICT2 và ICT có tổng diện tích đất là 2,8 ha, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 92.000 m2, dự kiến thu hút 6.000 nhân lực làm việc.
Ngày 01/02/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1238/QĐ-TTg ngày 20/10/2024 mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2, tạo hành lang pháp lý cho việc tiếp tục đầu tư ngân sách thành phố vào Khu Công viên phần mềm số 2. HĐND thành phố tiếp tục bố trí vốn đầu tư công, nâng tổng mức đầu tư dự án lên gần 1.400 tỷ đồng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Khu Công viên phần mềm số 2. Đến nay, công trình Khu Công viên phần mềm số 2 đã cơ bản hoàn thành.
Tại buổi lễ này, Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng trao Biên bản ghi nhớ giữa thành phố và các đối tác dự kiến được công nhận là đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo gồm: Công ty TNHH Marvell Việt Nam; Công ty cổ phần FPT và Công ty Cổ phần tập đoàn Sovico.