Đại biểu Quốc hội: 1 đơn vị tư vấn quy hoạch cho 21 tổ chức, liệu có tình trạng sao chép?
VOV.VN - Nhiệm vụ lập quy hoạch là nhiệm vụ mới, khó và phức tạp nhưng cùng một lúc, có đơn vị tư vấn cho đến 21 tổ chức làm quy hoạch. Trong khi hiện nay chưa có đánh giá chất lượng quy hoạch. Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề liệu có tình trạng sao chép quy hoạch hay không?
Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều nay (30/5) về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, đại biểu Vũ Xuân Hùng đoàn Thanh Hóa ghi nhận, đến thời điểm này, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đã hình thành khung pháp lý để triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch theo quy định của luật. Cơ bản các quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, với Chính phủ cũng đã quan tâm bố trí nguồn lực cả về nhân lực và kinh phí cho nhiệm vụ lập quy hoạch.
Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, ban hành rất chậm. Một số văn bản hướng dẫn của các Bộ ban hành chưa phù hợp và đồng bộ với Luật Quy hoạch. Nội hàm cụ thể về tích hợp quy hoạch chưa rõ, chưa ban hành được danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, chưa có quy định về lựa chọn tư vấn lập quy hoạch….
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi nhiệm vụ lập quy hoạch là nhiệm vụ mới, khó và phức tạp nhưng cùng một lúc, có đơn vị tư vấn cho đến 21 tổ chức làm quy hoạch. Trong khi hiện nay chưa có đánh giá chất lượng quy hoạch. Đại biểu đặt vấn đề liệu có tình trạng sao chép quy hoạch hay không?
Đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn để điều hành phát triển kinh tế - xã hội khi quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng chưa được phê duyệt, đại biểu Hùng cho rằng, trước tiên cần tập trung rà soát, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến quy hoạch, cụ thể là các nội dung còn bất cập của Luật Quy hoạch và các văn bản đã ban hành có liên quan đến Luật Quy hoạch. Đồng thời, ban hành các hướng dẫn quy định có giải pháp xử lý các vướng mắc khi chưa sửa đổi Luật Quy hoạch bằng một nghị quyết của Quốc hội.
Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Chính phủ cần ưu tiên chỉ đạo nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm 2022 và quy hoạch vùng để định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội và làm cơ sở cho các địa phương lập quy hoạch tỉnh, thành phố. Đồng thời, đánh giá chất lượng một số quy hoạch đã được phê duyệt để nâng cao chất lượng và nâng tầm của quy hoạch tổng thể quốc gia.
Ba là, xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ trong lập quy hoạch, như về lựa chọn tư vấn phải đủ năng lực, kinh nghiệm, phải có tư vấn phản biện độc lập, nghiên cứu bố trí nguồn lực ngoài vốn đầu tư công, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp, nguồn vốn thường xuyên để các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm sự chủ động. Việc điều chỉnh quy hoạch phải linh hoạt, mềm dẻo hơn so với quy định hiện hành.
Bốn là, cần sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Luật Quy hoạch và có lộ trình kế hoạch để sửa đổi Luật Quy hoạch.
Cần đánh giá tác động và quy trách nhiệm khi chậm trễ phê duyệt quy hoạch
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, lại cho rằng, Quốc hội cần làm rõ những thiệt hại về kinh tế - xã hội do tác động của việc chậm trễ phê duyệt quy hoạch các cấp.
Đại biểu tỉnh Cà Mau thẳng thắn chỉ rõ, báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội chưa chỉ ra được hậu quả việc chậm, không thực hiện mục tiêu công tác quy hoạch đặt ra vào ngày 31/12 năm nay, từ đó chưa chỉ ra được tác động của quy hoạch đối với nhiều công việc quan trọng của đất nước, của địa phương và các ngành. Báo cáo cũng chưa quy kết trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm trễ ban hành việc thi hành Luật Quy hoạch và việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, đặc biệt là của cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt các cấp, ngành Trung ương và địa phương.
Cho rằng báo cáo giám sát chưa chỉ ra được mấu chốt của vấn đề đang tắc nghẽn trong việc thực hiện Luật Quy hoạch, vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội cần làm rõ những thiệt hại về kinh tế - xã hội do tác động của việc chậm trễ phê duyệt quy hoạch các cấp, từ đó nhận diện đúng đắn tình hình sửa đổi pháp luật, đề cao trách nhiệm cá nhân. Đồng thời đề nghị trước mắt cần đánh giá tác động tích cực của Luật Quy hoạch để xử lý tốt quá trình chuyển tiếp của các dự án, đề án phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của vùng, địa phương và các ngành. Đại biểu kiến nghị rà soát lại cán bộ để lựa chọn, đào tạo đội ngũ chuyên môn, am hiểu công tác quy hoạch để đưa việc quy hoạch ngày càng tốt hơn.
Còn theo đại biểu Phạm Đình Thanh, đoàn Kon Tum, trong thực hiện Luật Quy hoạch, khi địa phương triển khai lập quy hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013 và quy hoạch đô thị theo Luật Quy hoạch đô thị thì lại phát sinh mâu thuẫn dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện như mục đích sử dụng đất ở một số vị trí không thống nhất với nhau. Điều này khiến người sử dụng đất được phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, việc cấp phép xây dựng thì lại phải phù hợp với quy hoạch đô thị.
Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, về nguyên tắc, việc quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị phải có sự thống nhất cả về không gian, thời gian, phù hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại quy hoạch nhưng hiện nay chưa có văn bản nào quy định về vấn đề này. Mặt khác, công tác lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng có những điểm khác biệt nhau, gây khó khăn cho công tác quản lý và thực hiện như về thời gian quy hoạch không thống nhất.
Để giải quyết những vướng mắc trên, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy hoạch và phát triển đô thị, giữa pháp luật về quy hoạch đô thị với quy định về quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng nhà ở.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho Chính phủ và cả cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch. Cần tăng cường vào thực hiện thường xuyên công tác giám sát của Quốc hội để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, tháo gỡ đối với những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quy hoạch cấp Trung ương và địa phương./.