Đại biểu Quốc hội: Thuế ô tô giảm, áp lực giao thông tăng

VOV.VN - Việc điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sẽ làm tăng lượng xe cá nhân lưu thông gây ùn tắc và tăng áp lực lên hạ tầng giao thông.

Trước bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng ô tô chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN và một số hiệp định song phương, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô ở mức tương đương với các nước Đông Nam Á, quy định áp dụng đối với dòng xe thân thiện với môi trường, dung tích xi lanh nhỏ, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Đa số các ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng cơ bản nhất trí với phương án sửa đổi thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi, điều chỉnh giảm thuế suất đối với các dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 và điều chỉnh tăng đối với dòng xe có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3.

Liên quan đến việc sửa đổi quy định thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô, tại phiên thảo luận chiều 29/10, đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) cho rằng, ô tô là sản phẩm phương tiện của xã hội hiện đại, không thể nào hạn chế được mặc dù tình hình tắc nghẽn giao thông ngày càng nghiêm trọng và có nhiều ý kiến đưa ra cần phải hạn chế việc sử dụng ô tô trong nước để đảm bảo giao thông.

Giảm thuế TTĐB khiến xe cá nhân tăng nhanh, gây áp lực cho hạ tầng giao thông, đặc biệt tại các thành phố lớn. (Ảnh: Internet)
Đại biểu Hùng cho biết, một mặt vẫn cần phải khuyến khích phát triển sản xuất ô tô trong nước, mặt khác phải hạn chế lượng sử dụng những loại xe gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích những dòng xe thân thiện môi trường, theo xu hướng ở nhiều quốc gia đang sử dụng năng lượng sạch, xe ô tô chạy điện mặt trời…

Do đó, đại biểu đề nghị đối với dòng xe ô tô có dung tích thấp dưới 1.500 cm3 nên khuyến khích giảm thuế, điều này vừa để khuyến khích ngành sản xuất ô tô trong nước, vừa tạo điều kiện cho người dân có điều kiện tiếp cận được với phương tiện hiện đại, nhanh nhưng đồng thời đảm bảo hiệu quả trong việc hạn chế ảnh hưởng tác động tiêu cực đến đến môi trường.

Đại biểu Hùng cho rằng, đối với những dòng xe có dung tích từ 1.500 cm3 trở lên cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn bởi sử dụng những dòng xe này đa số là những người có điều kiện kinh tế, xe dạng này lại có khả năng phát sinh khí thải độc hại ra môi trường cao hơn, do đó trách nhiệm chi phí của chủ sở hữu xe phải cao hơn khi nộp thuế cũng như tăng trách nhiệm đóng phí bảo trì đường bộ.

Không đồng tình quan điểm này, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (đoàn Tây Ninh) cho rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua chúng ta nghe báo cáo rất nhiều lần của Bộ Công Thương về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô ở nước ta. Có thể nói là chúng ta không thành công và liệu chúng ta có còn cơ hội làm lại hay không? Câu chuyện này chắc phải để chính phủ báo cáo thêm, nhưng đại biểu cho rằng cơ hội để phát triển công nghiệp ô tô sẽ là rất khó khăn khi lợi thế cạnh tranh của ngành công nghiệp này đã không còn nữa.

“Tôi không hiểu vì sao Chính phủ lại có đề xuất giảm thuế ô tô như thế này khi thời gian trước đã có 2 đề án đưa ra, một là đề án giao thông công cộng, nhà nước bỏ tiền xây hệ thống giao thông công cộng và đề án thứ hai là xã hội hóa vận tải công cộng. Trong khi đó hiện nay tình trạng xe máy hiện nay đang tràn ngập, tạo ra áp lực về giao thông rất lớn, trong khi chúng ta càng bỏ tiền ra làm đường thì càng có nhiều xe máy”, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến nói.

Cho rằng việc sửa đổi quy định giảm thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô sẽ là câu chuyện tương tự lặp lại đối với việc gia tăng phát triển phương tiện xe máy, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định, mặc dù đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng phải tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận phương tiện tốt hơn. Tuy nhiên, nếu tạo điều kiện bằng cách để cho mỗi gia đình có từ 1 – 2 ô tô nhỏ phát triển xe ô tô nhỏ thì hạ tầng giao thông sẽ không bao giờ đáp ứng được, và như vậy với những đề án liên quan đến giao thông công cộng sẽ ngày càng phá sản.

“Hiện Sở GTVT Hà Nội đang đề xuất giảm tần suất phương tiện vận tải công cộng, bởi trong những giờ cao điểm, xe buýt không thể chạy nổi vì quá nhiều xe máy. Trong thời gian tới, cứ với cách như thế này nếu chúng ta giảm thuế TTĐB cho xe ô tô cá nhân thì chắc chắn tình trạng tắc đường còn tăng lên”, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến chỉ rõ.

Để làm rõ hơn về việc điều chỉnh, sửa đội Luật thuế TTĐB, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến đề nghị, tạm thời nếu chưa làm được điều gì tốt hơn để cải tiến hạ tầng giao thông thì cần giữ nguyên mức thuế như quy định cũ. Đối với thuế TTĐB xe ô tô, đại biểu không đồng tình câu chuyện chia nhỏ dung tích xi lanh để tiến hành giảm thuế. Nhất thiết nên có quan điểm rõ ràng là với những dòng xe nào liên quan đến vận tải công cộng, vận tải số đông sẽ được khuyến khích; đối với xe cá nhân hóa, tư nhân hóa ngoài chuyện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có lẽ cần phải tăng thêm những loại thuế khác nữa, phí khác nữa.

“Ở nhiều quốc gia, tiền mua xe rất rẻ nhưng tiền lưu hành xe mới là lớn, có như vậy mới giảm bớt được tình trạng ách tắc của các thành phố. Xe cá nhân đến giờ cao điểm không được lưu thông trong nội đô, phải gửi ở bãi đỗ xe ngoại ô, muốn vào nội đô phải trả phí rất đắt”, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến lấy ví dụ.

Còn đối với đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM), cần cân nhắc lộ trình cắt giảm thuế ô tô trong điều kiện không nội địa hóa. Theo lộ trình cắt giảm thuế TTĐB với các dòng xe dưới 9 chỗ ngồi tới năm 2018 sẽ về mức 0% nhưng việc cắt giảm từ thuế TTĐB từ 40% xuống còn 25% đến 20% thì khoảng cách giữa cạnh tranh trong nước và cạnh tranh nước ngoài không còn đáng kể. Có nghĩa là, nhiều nguy cơ những hãng ô tô lắp ráp trong nước sẽ không sản xuất, chuyển sang nhập khẩu về bán vì có lợi hơn.

“Ta phải cân nhắc rất kỹ. Về nguyên tắc, các loại xe trên 2.000 cm3 với lộ trình tăng thuế TTĐB là tốt, nhưng dòng xe dưới 2.000 cm3, 1.500 cm3 và dưới 1.000 cm3 nếu cắt giảm từ 45% xuống còn 20-25% trong vòng vài năm thì nhất thiết phải có đánh giá tác động nhiều mặt. Hiện tại với người tiêu dùng có thể sẽ tỷ lệ ủng hộ cao, nhưng ảnh hưởng với quốc gia như thế nào cần phải được đánh giá tác động trên nhiều mặt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt xe sang lên gấp đôi
Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt xe sang lên gấp đôi

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô hạng sang vì những dòng xe này tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa hợp điều kiện hạ tầng giao thông...

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt xe sang lên gấp đôi

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt xe sang lên gấp đôi

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô hạng sang vì những dòng xe này tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa hợp điều kiện hạ tầng giao thông...

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sẽ được điều chỉnh như thế nào?
Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sẽ được điều chỉnh như thế nào?

VOV.VN - Chính phủ đề xuất lộ trình giảm 20% thuế đối với xe ô tô có dung tích đến 1.500 cm3 và và tăng thuế 90% đối với xe có dung tích trên 6.000 cm3.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sẽ được điều chỉnh như thế nào?

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sẽ được điều chỉnh như thế nào?

VOV.VN - Chính phủ đề xuất lộ trình giảm 20% thuế đối với xe ô tô có dung tích đến 1.500 cm3 và và tăng thuế 90% đối với xe có dung tích trên 6.000 cm3.

Thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô: 75% hay 150%?
Thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô: 75% hay 150%?

Trong khi Bộ Tài chính đề xuất thuế tiêu thụ đặc ô tô ở mức cao nhất là 75% thì Bộ Công Thương lại đề xuất áp thuế này lên đến 150%.

Thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô: 75% hay 150%?

Thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô: 75% hay 150%?

Trong khi Bộ Tài chính đề xuất thuế tiêu thụ đặc ô tô ở mức cao nhất là 75% thì Bộ Công Thương lại đề xuất áp thuế này lên đến 150%.